Ngành Tài chính quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN


Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2020 của ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định “Ngành Tài chính đã góp phần tích cực vào kết quả thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Hữu Thọ)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Hữu Thọ)

Vượt qua dịch bệnh, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2020 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước biến động lớn do tác động của đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có. Dòng luân chuyển thương mại, đầu tư, du lịch trên thế giới bị gián đoạn, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất-kinh doanh ở nhiều nơi bị đình trệ, giá dầu thô giảm mạnh; lao động mất việc làm tăng cao, kinh tế thế giới nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn duy trì được các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Việt Nam là một trong số ít các nước vẫn duy trì được hệ số tín nhiệm quốc gia, trong khi có trên 90 nước bị hạ bậc tín nhiệm hoặc điều chỉnh triển vọng. Đây có thể coi là một thành công nổi bật, đáng ghi nhận.

Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân và chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau dịch.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, đã thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất với tổng số tiền hơn 43 nghìn tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm một số loại thuế, phí và lệ phí với giá trị dự kiến khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Về cân đối thu NSNN, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá dầu thô thế giới giảm sâu, kết hợp với việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí và các khoản thu khác, nên thu NSNN những tháng đầu năm có xu hướng giảm.

Tính đến hết tháng 6/2020, tổng thu NSNN ước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 41,8% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 51,7%); thu ngân sách địa phương đạt 47,4% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 54,6%).

Trong thu nội địa, thu từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 41,9% dự toán, giảm 6,3%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37,1% dự toán, giảm 15%. Kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn.

Cả nước có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% dự toán; không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán; 30/63 địa phương tiến độ thực hiện thu đạt dưới 45% dự toán.

Theo Bộ trưởng, trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu); 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán.

Về điều hành chi NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng chi NSNN đến hết tháng 6 ước đạt 729,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán. Nhìn chung, công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ.

Mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, kim ngạch cả xuất và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, thì khả năng đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là hết sức khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến cân đối thu-chi NSNN.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Hữu Thọ)

Quyết liệt triển khai 10 nhóm giải pháp tài chính-ngân sách

Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định. Trong đó, tập trung triển khai 10 nhóm giải pháp. Cụ thể:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế.

Hai là, Tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2020; quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định.

Ba là, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Bốn là, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương.

Năm là, tăng cường công tác quản lý giá, thị trường; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính.

Sáu là, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch.

Bảy là, rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công.

Tám là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, đầu tư XDCB, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản,...; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.

Chín là, Chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế. Tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực và quốc tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài, thu hút có hiệu quả nguồn vốn ODA và các nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các FTA đã ký. Chủ động đánh giá tác động của các FTA đến thu NSNN để chủ động giải pháp điều hành.

Mười là, chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2021-2023.