Bộ Tài chính chủ động điều hành chính sách tài khoá, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện “nhiệm vụ kép”


Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp về chính sách tài khoá, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau dịch.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ Tài chính.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ Tài chính.

Sáng ngày 7/7/2020, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.

Tới dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; đại diện một số bộ, ngành; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, cơ quan tài chính địa phương tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Về phía Bộ Tài chính, có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; các Thứ trưởng Bộ Tài chính và cán bộ chủ chốt các vụ, cục thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính cùng hơn 3000 cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính.

Chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch Covid-19

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Đến hết tháng 6/2020, cơ quan Thuế đã tiếp nhận và xử lý gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất cho trên 109 nghìn doanh nghiệp và 40 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh, với tổng số tiền hơn 43 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền quyết định miễn, giảm một số loại thuế, phí và lệ phí với giá trị dự kiến khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Trong đó, miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; Nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế và người phụ thuộc; Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu chịu thuế năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; Giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng đến hết năm 2020; Giảm 50% lệ phí trước bạ, giãn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích cả sản xuất và tiêu dùng trong nước...

Đồng thời, rà soát, cắt giảm một số khoản phí và lệ phí như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng; giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán,...

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tập trung tổ chức thực hiện các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2020; tăng cường chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý thu hồi nợ thuế; kịp thời thực hiện các biện pháp ưu đãi về chính sách thu theo quy định của cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá dầu thô thế giới giảm sâu, kết hợp với việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí và các khoản thu khác, nên thu NSNN những tháng đầu năm có xu hướng giảm. Tính đến hết tháng 6/2020, tổng thu NSNN ước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 41,8% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 51,7%); thu NSĐP đạt 47,4% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 54,6%), chỉ có 34/63 địa phương thu nội địa đạt trên 50% dự toán, 24/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019, tương ứng là 52/63 và 55/63 địa phương).

Về điều hành chi NSNN, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan ban hành một số chế độ đặc thù đối với những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và những người phải cách ly tập trung; phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ cho người dân chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19; xây dựng cơ chế đảm bảo kinh phí và thu xếp bố trí nguồn ngân sách trung ương để thực hiện.

Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, nhưng vẫn phải tăng chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết. Đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với nhà nước và người lao động nói chung.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Đến hết tháng 6/2020, tổng chi NSNN ước đạt 729,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 33,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,3% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán. Công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ.

Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2020

Trước những diễn biến phức tạp và dự báo tác động của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam ngày càng nghiêm trọng, để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2020, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính tập trung thực hiện những nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2020; quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định. Theo đó, cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh; quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu. Đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế. Phấn đấu tăng thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội giao.

Cơ quan thuế, hải quan tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2020 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN năm 2020; đôn đốc thu kịp thời các khoản thu theo kiến nghị, kết luận của các cơ quan kiểm toán, thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Cùng với đó, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo dự toán. Thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; không để phát sinh mới nợ đọng xây dựng cơ bản.

Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn lực hợp pháp khác để đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai và các nhiệm vụ cấp bách khác theo quy định. Trường hợp đánh giá khả năng hụt thu cân đối ngân sách địa phương, sau khi sử dụng các nguồn lực nêu trên nhưng vẫn không đảm bảo được cân đối ngân sách địa phương thì rà soát, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, đảm bảo không tăng bội chi ngân sách địa phương so với mức Quốc hội đã quyết định.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; công tác quản lý giá, thị trường; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính; đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản...; chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế; chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2021-2023.

Để hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, căn cứ quy định của Luật ngân sách nhà nước, trên cơ sở các kịch bản tăng trưởng kinh tế Chính phủ báo cáo Quốc hội, Bộ Tài chính đã dự kiến các phương án cân đối NSNN để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

Theo đó, trường hợp GDP tăng khoảng 4,5%, bội chi NSNN tăng thêm khoảng 75 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ bội chi NSNN không quá 4,73% GDP; trường hợp GDP tăng 3,6%, bội chi NSNN tăng thêm khoảng 90 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ bội chi NSNN không quá 5,02% GDP.  

Với cả 2 kịch bản tăng trưởng trên, dự kiến bội chi NSNN bình quân 5 năm vẫn không quá 3,9%GDP và nợ công không qua 65% GDP, đảm bảo mục tiêu theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội. Trường hợp tăng trưởng kinh tế thấp hơn mức 3,6%, thì mức và tỷ lệ bội chi so GDP có thể cao hơn.