Ngành Tài chính: Tích cực tham gia tái cơ cấu nền kinh tế

PV.

Năm 2015, ngành Tài chính luôn chủ động, tích cực tham gia, thực hiện tái cơ cấu có hiệu quả trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật là: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước...

Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường tài chính

Đảng và Nhà nước đã nhận thức rõ vị trí quan trọng của thị trường tài chính trong quá trình đổi mới và hội nhập, nên đã chú trọng đặc biệt đến việc phát triển một cách đầy đủ, toàn diện thị trường này.

Theo đó, mục tiêu bao trùm là tiếp tục hướng tới hoàn chỉnh về cấu trúc vận hành theo các thông lệ quốc tế, có khả năng liên kết với các thị trường khu vực và quốc tế; phấn đấu đưa thị trường tài chính trở thành kênh huy động và dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Thực hiện mục tiêu này, trong năm 2015, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu thị trường tài chính, trong đó có tập trung vào thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm.

Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong được đổi mới trên thị trường chứng khoán là quy định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và gắn kết việc cổ phần hóa với việc đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán. Tăng số lượng công ty niêm yết, tăng nhà đầu tư tổ chức; tập trung tái cơ cấu công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng giảm số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo đó, trong năm 2015 tái cơ cấu 24 công ty chứng khoán, 8 công ty quản lý quỹ. Mặc dù giá trị giao dịch bình quân; nhưng số lượng công ty niêm yết tăng, chỉ số chứng khoán tăng (khoảng 4,4%), nên quy mô thị trường tăng khoảng 20% so năm 2014 và đạt 34% GDP. Hoạt động thị trường ổn định; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, xử lý kịp thời các vi phạm.

Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu thị trường chứng khoán, trong năm 2015, Bộ Tài chính cũng đã tập trung chỉ đạo phát triển các nghiệp vụ, sản phẩm bảo hiểm mới như: Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động xây dựng, bảo hiểm tàu cá, thuyền viên theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, bảo hiểm hưu trí tự nguyện...

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp. Do đó, đến cuối năm 2015, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đảm bảo khả năng thanh toán theo quy định. Năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng 21,4%, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 16% so năm 2014. Các mục tiêu Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015 đã đạt được kế hoạch đề ra.

Thực hiện hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được Chính phủ phê duyệt, trong những năm qua, ngành Tài chính đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Đặc biệt, trong năm 2015, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã tạo bước đột phá trên nhiều phương diện; trong đó việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện.

Bộ Tài chính đã trình ban hành Nghị định số 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg về việc bán cổ phần theo lô, để thu hút các nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN. Đồng thời, tích cực phối hợp và đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến tháng 12/2015, đã cổ phần hóa thêm 173 doanh nghiệp, nâng số doanh nghiệp được cổ phần hóa từ năm 2011 đến nay là 422 doanh nghiệp, đạt 78% kế hoạch. Cùng với đó, đã thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán; ngân hàng, tài chính; bảo hiểm; bất động sản và quỹ đầu tư đạt là 4.975 tỷ đồng.

Tích cực trong tái cơ cấu đầu tư công

Trong thời gian qua, việc mở rộng đầu tư công lớn (cả Trung ương và địa phương) trong thời gian qua đã cải thiện được phần nào hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng được một số công trình dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, việc phân cấp thẩm quyền cho các địa phương quá mức, vượt ra ngoài sự quản lý của Trung ương đã dẫn đến tình trạng các bộ, ngành, địa phương phê duyệt quá nhiều dự án vượt quá khả năng nguồn lực của ngành mình, cấp mình, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm… khiến đầu tư dàn trải, bị động, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư.

Đây cũng là nguyên nhân làm tăng tổng cầu của nền kinh tế, góp phần làm cho lạm phát tăng cao. Do vậy, tái cơ cấu đầu tư công là yêu cầu bức bách đặt ra cần phải thực hiện. Theo đó, tái cơ cấu đầu tư phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư công, trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2015, Bộ Tài chính đã tham gia, phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư nhà nước. Kiểm soát chi chặt chẽ qua Kho bạc Nhà nước, đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn.

Đi đôi với việc thực hiện thu đúng, thu đủ theo các quy định của pháp luật, Bộ Tài chính cũng quán triệt nguyên tắc khuyến khích phát triển sản xuất và tăng nguồn thu ở những ngành, những vùng, những địa phương có lợi thế so sánh và tiềm năng phát triển, có hiệu quả cao.

Từ đó tạo ra nguồn thu lớn đáp ứng nhu cầu chi của cả nước và những nhu cầu chi tiêu của các vùng nghèo, các vùng kém phát triển mà nguồn thu không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu, khắc phục tình trạng tạo ra nguồn thu và tăng thu bằng mọi giá ở các cấp địa phương. Tiến tới xây dựng dự toán ngân sách nhà nước dựa trên kết quả đầu ra, thay vì căn cứ vào các yếu tố đầu vào như hiện nay. Đồng thời, từng bước điều chỉnh cơ cấu theo hướng giảm dần đầu tư công; tăng cường các biện pháp để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển nền kinh tế.