Ngành Tài chính tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 273-CV/BCSĐ ngày 25/8/2021 về việc thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp thứ 20 ngày 5/8/2021.
Thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp thứ 20 ngày 05/8/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021.
Trong đó, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên...), báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các đơn vị tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính - ngân sách đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nhất là các định mức, tiêu chuẩn, chế độ về quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước...
Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội nhất là trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; về trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trong lĩnh vực quản lý ngành của Bộ Tài chính.
Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc. Tăng cường công tác thanh tra hành chính, kiểm tra nội bộ, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng “tham nhũng vặt”.
Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thực hiện xử lý nghiêm, dứt điểm các kiến nghị, kết luận của các đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đến cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Các đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản. Khẩn trương hoàn thành việc giám định, định giá tài sản theo yêu cầu của Cơ quan điều tra. Xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các trường hợp cố tình kéo dài, né tránh hoặc từ chối giám định, định giá và cung cấp hồ sơ tài liệu chậm hoặc không đầy đủ với lý do không xác đáng, làm chậm tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc...