Họp báo thường kỳ quý II/2013:

Ngành Tài chính triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao

PV.

(Tài chính) Sáng 19/7/2013, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2013 nhằm thông tin về tình hình thực hiện chương công tác 6 tháng đầu năm và triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng cuối năm. Rất nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí đã được đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, đại diện các Tổng cục, Vụ Cục chức năng thuộc Bộ Tài chính giải đáp, trả lời một cách rõ ràng và thẳng thắn.

Toàn cảnh buổi họp báo. Nguồn: FinancePlus.vn
Toàn cảnh buổi họp báo. Nguồn: FinancePlus.vn

Tham dự cuộc họp báo thường kỳ lần này về phía đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các vụ, cục chức năng của Bộ Tài chính.

Thay mặt Bộ Tài chính, ông Nguyễn Đức Chi, Chánh văn phòng Bộ Tài chính đã trình bày sơ bộ về tình hình thực hiện chương công tác 6 tháng đầu năm và triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính NSNN 6 tháng cuối năm.

Theo đó, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa ổn định và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở trong nước, kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định; xuất khẩu tăng trưởng khá, nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất bắt đầu tăng trở lại; các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và triển khai kịp thời…

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 4,9%; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) còn gặp nhiều khó khăn, nhiều DN giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Theo số liệu thống kê của ngành Thuế, tính đến ngày 30/6/2013, toàn quốc có 40.523  DN thành lập mới, 24.931 DN ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh (trong đó: 202 DNNN, 269 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 24.460 DN ngoài quốc doanh). Như vậy, đến thời điểm ngày 30/6/2013, toàn quốc hiện có 457.343 DN đang hoạt động, tăng 39.700 DN, tương ứng tăng 9,5% so với cùng kỳ 2012 và tăng 4,9% so với thời điểm 31/12/2012, trong đó DNNN là 6.852; DN có vốn đầu tư nước ngoài là 11.984; DN ngoài quốc doanh là 438.507. So với tháng 5/2013, số DN đang hoạt động tăng 5.381 DN, tương ứng tăng 1,2%.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã nỗ lực, phấn đấu, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ NSNN năm 2013, trong đó có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho các DN phát triển sản xuất - kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, qua đó tạo nguồn thu cho NSNN. Công tác theo dõi, chỉ đạo thực hiện các đề án, dự án nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách có nhiều tiến bộ, nhiều đề án lớn, quan trọng cũng đã Bộ Tài chính được tập trung chỉ đạo để hoàn thiện, ban hành trong thời gian ngắn, đáp ứng được yêu cầu quản lý và đòi hỏi thực tế của xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ tài chính, ngân sách, từ đó, tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành Tài chính từ Trung ương đến địa phương hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, đã chủ động cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật về tài chính, ngân sách, các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Qua đó, tạo sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng DN và nhân dân trong cả nước.

Trước những băn khoăn của các cơ quan báo chí về kết quả thu chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ước đạt 356.520 tỷ đồng, đạt 43,7% dự toán, tăng 4,5% mức thực hiện cùng kỳ năm 2012.

Trong đó, thu nội địa đạt 236.170 tỷ đồng, bằng 43,3% dự toán, đây là mức thấp so với cùng kỳ một số năm gần đây. Ước tính có 3/14 khoản thu, sắc thuế thu đạt tiến độ dự toán (từ 50% dự toán trở lên), nhưng là các khoản thu nhỏ (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 96,4%; thu tiền thuê đất đạt 60,5% và thu bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đạt 69,6%); 11/14 khoản thu, sắc thuế còn lại thu thấp hơn yêu cầu tiến độ dự toán (đạt dưới 50% dự toán), trong đó có các khoản thu quan trọng như: thu từ khu vực DNNN đạt 39,4%, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 42,7%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,3% (loại trừ khoản hạch toán ghi thu khoản lãi khí nước chủ nhà thì đạt 46%); thuế bảo vệ môi trường đạt 40%... Thu từ dầu thô đạt 55.430 tỷ đồng, bằng 56% dự toán, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2012. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 61.920 tỷ đồng, bằng 37,2% dự toán, tăng 5,8% cùng kỳ năm 2012, trên cơ sở tổng số thu về xuất nhập khẩu đạt 96.000 tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 34.080 tỷ đồng…

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm chi NSNN ước đạt 448.910 tỷ đồng, bằng 45,9% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 77.920 tỷ đồng, bằng 44,5% dự toán, bằng 100,3% so cùng kỳ năm 2012. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB (cả vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ) đạt khá so với cùng kỳ năm 2012, trong đó vốn NSNN giải ngân đến các chủ đầu tư ước đạt 44,4% dự toán (cùng kỳ đạt 34% dự toán); vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ ước đạt khoảng 50% kế hoạch (cùng kỳ năm 2012 đạt khoảng 23,7% kế hoạch). Chi trả nợ và viện trợ ước đạt 52.180 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2012, đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ đến hạn. Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính ước đạt 318.810 tỷ đồng, bằng 48,4% dự toán, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012; đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi…

Đối với những câu hỏi liên quan đến hoạt động kiểm soát thị trường, quản lý giá trong 6 tháng đầu năm, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để bình ổn giá cả thị trường; tổ chức thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu kịp thời tạo điều kiện cho DN giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm áp lực tăng giá đầu ra, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng có liên quan chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, các cơ quan Tài chính địa phương đã phối hợp với các lực lượng liên quan tiếp tục triển khai kiểm tra việc tuân thủ các quy định quản lý nhà nước về giá, thuế, phí và lệ phí trên địa bàn. Kiểm tra chấp hành đăng ký giá, kê khai giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm...

Đối với vấn đề điều hành giá xăng dầu rất được dư luận trong thời gian qua, đại diện diện Cục Quản lý giá khẳng định: Giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục được điều hành theo đúng quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ, phù hợp với diễn biến thị trường thế giới; tiếp tục, đảm bảo hài hoà lợi ích người tiêu dùng, DN và Nhà nước. Theo đó, từ đầu năm đến nay, liên Bộ Tài chính Công thương đã điều hành tăng hoặc giảm giá bán theo sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, thậm chí ba tháng đầu năm, giữ ổn định giá bán lẻ để bình ổn thị trường giá cả dịp Tết Nguyên đán thông qua công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu...

Trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, Bộ Tài chính đã tiến hành nghiên cứu soạn thảo dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã trình Chính phủ; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2013. Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 30/CT-TTg, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chế độ quy định; thực hiện nghiêm các biện pháp chống thất thoát, lãng phí. Không bổ sung kinh phí ngoài dự toán được giao cho mục đích mua sắm xe ô tô và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách. Kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là khoản chi mua xe công. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương khi thi hành công vụ trong toàn ngành tài chính; Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Công khai các quyết định giải quyết khiếu nại.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty  tăng cường tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí quản lý theo hướng tối thiểu bằng hoặc cao hơn so với thực hiện năm 2012, tập trung giảm giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa DN...

Đối với việc gia hạn thuế nhằm hỗ trợ DN và thúc đẩy thị trường, Bộ Tài chính cho biết: Đến nay, đối với gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), tổng số có 105.037 người nộp thuế được gia hạn với tổng số thuế GTGT là 4.428 tỷ đồng, trong đó có 1.756 DNNN (596 tỷ đồng); 944 DN có vốn đầu tư nước ngoài (370 tỷ đồng); 101.858 DN ngoài quốc doanh (3.457 tỷ); 479 tổ chức kinh tế khác (6 tỷ đồng). Đối với thuế TNDN, tổng số có 45.037 người nộp thuế được gia hạn với số thuế TNDN là 952 tỷ đồng, trong đó có 442 DNNN (237 tỷ đồng), 377 DN có vốn đầu tư nước ngoài (225 tỷ đồng); 44.145 DN ngoài quốc doanh (490 tỷ đồng); 230 tổ chức kinh tế khác (1,2 tỷ đồng).

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, dự kiến số giảm thu NSNN do thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế trong năm 2013 khoảng 17.613 tỷ đồng (trong đó thuế GTGT khoảng 375 tỷ đồng; thuế TNDN khoảng 1.538 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon khoảng 700 tỷ đồng; tiền thuê đất và tiền sử dụng đất khoảng 15.000 tỷ đồng); và năm 2014 khoảng 17.580 tỷ đồng (trong đó thuế GTGT khoảng 500 tỷ đồng; thuế TNDN khoảng 2.080 tỷ đồng; tiền thuê đất và tiền sử dụng đất khoảng 15.000 tỷ đồng)…