Ngành Tài chính: Vượt khó, đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính-ngân sách
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 do Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày 5/7, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách
Bộ trưởng khẳng định: “Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp trong giải ngân. Chúng tôi cam kết cứ có đủ hồ sơ hậu kiểm thì trong 1 ngày là giải ngân hết, không cần đến 3 – 5 ngày như Nghị quyết 60 đã nêu. Tuy nhiên, để đẩy nhanh giải ngân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ nút thắt về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là sửa Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng như Bộ Tài chính đã nhiều lần kiến nghị từ một năm nay, bởi lâu nay các vướng mắc chủ yếu là về thủ tục”.
Để đạt được mục tiêu giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã quyết định, kể cả số tuyệt đối và số tương đối, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề xuất cụ thể: Nếu nguồn vốn TPCP 50.000 tỷ đồng không được giao hết, đề nghị Chính phủ cắt giảm luôn, không để tình trạng giao muộn vào cuối năm và kéo dài sang năm sau.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thẳng thắn đề nghị: “Đối với nguồn vốn này, năm nào không làm được thì cắt ngay, như vậy mới đảm bảo bội chi, nợ công trong điều kiện giá trị GDP khó có thể đảm bảo kế hoạch 5,1 triệu tỷ đồng. Nếu không, tỷ lệ bội chi sẽ cao lên. Chúng tôi rất cần sự chỉ đạo quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề này, không để dồn trách nhiệm vào Bộ Tài chính. Nếu không quản lý chặt bội chi, nợ công, để các tỷ lệ này đội lên thì không chỉ khó khăn trong điều hành tài chính ngân sách mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia với các tổ chức quốc tế”.
Triển khai các giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm
Để phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị ngành Tài chính tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đó là, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đảm bảo số lượng, chất lượng, thời hạn; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN. Trong đó, cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật NSNN năm 2015; các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, dự toán NSNN năm 2017, phân bổ NSTW năm 2017.
Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2017; hạn chế tối đa việc đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định.
Đối với nhiệm vụ đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thu đủ 60 nghìn tỷ đồng tiền bán bớt phần vốn nhà nước tại DN. Tiển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động đặt cược, casino, trò chơi có thưởng.
Ngành Tài chính tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn theo kế hoạch vay nợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ. Tích cực triển khai các giải pháp tái cơ cấu danh mục nợ công; Kiểm soát chặt chẽ bội chi và vay nợ của NSĐP. Thực hiện cơ chế cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với địa phương theo quy định. Các địa phương thực hiện vay để bù đắp bội chi NSĐP và trả nợ gốc trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.
Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN), người dân, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển DN, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để cải cách thủ tục hành chính đi vào thực tiễn, tạo thuận lợi cho DN và người nộp thuế theo các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.