Loạt giải pháp mấu chốt nâng cao năng suất lao động
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cho được mục tiêu 2 triệu doanh nghiêp đến năm 2030; thúc đẩy áp dụng nhiều công cụ cải tiến năng suất… là một số giải pháp khả thi nhằm nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) thời gian tới.
Năng suất lao động khu vực doanh nghiệp tư nhân quá thấp
NSLĐ quốc gia là thước đo hoạt động kinh tế của một quốc gia, tính toán so sánh lượng giá trị gia tăng được tạo ra tính trên một đầu vào lao động. Theo đó, NSLĐ được tính bằng GDP chia cho số lao động có việc làm trong năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam bằng khoảng 30% NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Singapore.
Đáng chú ý, NSLĐ của khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam còn quá thấp. Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 59% việc làm trong khu vực doanh nghiệp nhưng chỉ đóng góp giá trị gia tăng bằng 1/6 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực doanh nghiệp nhà nước và 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI (tính toán dựa trên số liệu GDP năm 2021 và tỷ lệ đóng góp vào GDP của các khu vực kinh tế năm 2021 không thay đổi đáng kể so với năm 2020).
Trong giai đoạn 2018 - 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng NSLĐ của Việt Nam vẫn tăng bình quân 7,06%/năm. Những ngành có NSLĐ cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp trong tổng lao động; các ngành này chỉ chiếm 10,28% tổng số lao động có việc làm.
Vì vậy, Việt Nam có dư địa rất lớn để dịch chuyển lao động từ khu vực NSLĐ thấp hơn sang khu vực NSLĐ cao hơn để tăng NSLĐ.
Hiện thực hóa mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp
Các chuyên gia kiến nghị để có thể nâng cao NSLĐ trong các doanh nghiệp Việt nói riêng, nâng cao NSLĐ quốc gia nói chung cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, tri thức, lao động, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng doanh nghiệp, tăng quy mô của doanh nghiệp.
Phải thực hiện cho được mục tiêu 2 triệu doanh nghiêp đến năm 2030. Chỉ khi tỷ trọng lao động trong doanh nghiệp tăng lên thì NSLĐ mới tăng nhanh và bền vững.
Thứ hai, trọng tâm của chính sách kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2030 nên tập trung vào ngành chế biến chế tạo vì đây là khu vực động lực thúc đẩy NSLĐ cả nền kinh tế.
Chỉ khi NSLĐ của ngành chế biến chế tạo tăng lên thì mới có thu nhập tăng thêm để chi tiêu cho ngành dịch vụ qua đó làm tăng NSLĐ ngành dịch vụ, hay nói cách khác NSLĐ ngành dịch vụ là phái sinh theo sau ngành chế biến chế tạo. Thúc đẩy NSLĐ ngành chế biến chế tạo cùng với mở rộng quy mô của ngành sẽ là động lực chính thúc đẩy NSLĐ trong cả nền kinh tế.
Thứ ba, cần thực hiện các giải pháp nâng cao NSLĐ nội ngành thông qua việc hỗ trợ hình thành nên các doanh nghiệp lớn, những "sếu đầu đàn" dựa trên tiềm lực hiện có của các doanh nghiệp hiện nay để dẫn dắt ngành phát triển theo một chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ như: ngành sản xuất ô tô, ngành điện tử, ngành công nghệ thông tin, ngân hàng, tài chính, chế biến nông lâm thủy sản, ngành thép…
Thứ tư, thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực có NSLĐ thấp sang khu vực có NSLĐ cao, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức bằng các giải pháp: Chăm lo tốt hơn cho cuộc sống người lao động bằng các chính sách nhà ở xã hội, hỗ trợ không phân biệt hộ khẩu cho con em công nhân lao động trong học tập, tiếp cận, dịch vụ y tế...
Thứ năm, thực hiện chính sách tiền lương hiệu quả: cùng với sự phát triển kinh tế cần điều chỉnh tăng lương tối thiểu hợp lý nhằm tạo sức ép doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đồng thời người lao động có động lực nâng cao trình độ tay nghề (không nâng cao tay nghề có nguy cơ mất việc, thu nhập thấp).
Ở góc độ khoa học - công nghệ, hiện nay, việc áp dụng linh hoạt, phù hợpnhiều công cụ cải tiến năng suất có thể tích hợp với hệ thống quản lý của doanh nghiệp cũng là giải pháp được khuyến khích đẩy mạnh thời gian tới. Trong số các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, có một số công cụ phổ biến như: KPI, Kaizen, QCC, 7 công cụ thống kê…
Những hệ thống quản lý và các các công cụ năng suất, chất lượng thường được các doanh nghiệp áp dụng có thể kể đến như: Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000/HACCP, hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS/ISO 45001 và các công cụ năng suất chất lượng (KPI, Kaizen, QCC, 7QC)…