Ngành thép Việt Nam có “ảo tưởng”?

.

Tồn kho khoảng 3 triệu tấn tại thời điểm lãi suất ngân hàng tăng cao, thị trường tiêu thụ co hẹp lại cùng với sự xâm nhập của thép ngoại... Đó là khó khăn cho hầu hết các doanh nghiệp thép Việt Nam tại thời điểm này.

 Nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề rằng liệu Việt Nam có quá “lạc quan” khi cho phép triển khai hàng loạt dự án liên hợp thép tỷ USD? Và các doanh nghiệp sẽ tiêu thụ thế nào với 40 - 50 triệu tấn mỗi năm, nếu các dự án đi vào sản xuất?
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Ông nói:
- Từ năm 2006, 2007, nhiều dự án liên hợp thép lớn đã “bùng nổ” đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Cho tới thời điểm này, đã có 3 dự án lớn được cấp phép và đang thi công là Tycoon - E. United tại Dung Quất công suất 5 triệu tấn/năm; Formosa - Sunco ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) công suất 15 triệu tấn/năm; và Thép Cà Ná tại Ninh Thuận công suất 14,5 triệu tấn/năm.
Hai dự án liên hợp thép đang “xếp hàng” là liên doanh giữa Tata (Ấn Độ) với Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty Xi măng, dự kiến tại Vũng Áng, công suất 5 triệu tấn/năm; và dự án của tập đoàn Posco (Hàn Quốc) với Vinashin, dự kiến đặt tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) giai đoạn 1 có công suất 4 triệu tấn năm.”
Nếu theo quy hoạch, chúng ta chỉ cần 1 đến 2 nhà máy liên hợp. Đến năm 2020, chúng ta mới cần khoảng trên 20 triệu tấn thì cộng với số đầu tư trong nước chúng ta đang có hiện nay, số này cũng đến hơn chục triệu tấn, chỉ chừng ấy dự án đầu tư hoàn chỉnh là đủ.
Với những dự án hiện nay mà hoàn thiện và đi vào hoạt động, đến lúc đó chúng ta phải có đến 40 - 50 triệu tấn/năm, vượt xa khả năng tiêu thụ của thị trường trong nước. Như vậy đã tính hết bài toán thị trường chưa? Tất cả các loại thép xây dựng, thép ống, thép tấm lá, tôn cán kẽm, tôn mạ màu... đều gấp đôi nhu cầu trong nước.
Vậy doanh nghiệp có thể "đặt cược" vào triển vọng ngành thép?
Thực tế thì nó đã thành ảo tưởng rồi. Năm 2007, tiêu thụ thép tăng tới 40%, tính theo kiểu tổng nhập trừ đi tổng xuất, thế là không phải đâu. Bây giờ mới té ra là "các ông ấy" ngồi ôm lấy để chờ giá tăng, đấy là đầu cơ chứ không phải sử dụng thật của nền kinh tế.
Cho nên vừa rồi mới lộ ra dư thừa 3 triệu tấn thép. Đấy là chưa kể 1,5 triệu tấn cả nguyên liệu và sản phẩm đã xuất được giai đoạn trước đó. Dùng thật cho các công trình chỉ tăng khoảng 17%.
Có nhìn vào sự tăng trưởng của Việt Nam cũng không thể có sự tăng đột biến đến thế. Tôi cũng có tham gia vào quy hoạch nên rất biết, nếu GDP cứ tăng 7-8% như vừa qua thì nhu cầu thép tăng thêm chỉ 15%/năm là vừa phải.
Vì với tốc độ ấy, ngành công nghiệp - xây dựng cũng tăng từ 15-17%. Thép tăng như thế là vừa, không thể có tốc độ tăng thần kỳ như nhiều người ảo tưởng.
Doanh nghiệp họ có thể tính đến bài toán xuất khẩu, thưa ông?
Đúng là khi đầu tư họ nói chúng tôi sẽ xuất khẩu. Nhưng cũng không phải dễ mà xuất được khi thị trường đã đầy ứ. Các cường quốc thép như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc thì đều đầu tư vào đây cả. Họ đã quen thị trường xuất khẩu nên ta khó mà cạnh tranh được.
Thép Việt Nam chỉ có thể vào những thị trường nhỏ như Campuchia, Lào, Myanmar chứ các thị trường lớn thì Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc chiếm cả.
Có dự án hứa xuất khẩu 80%, dự án thấp thì 50%..., nhưng toàn là “chen” nhau vào thị trường trong nước hết, rồi sẽ lại đầu tư nhỏ giọt, kéo dài... tất cả đều dư thừa công suất. Đầu tư nhà máy mà vận hành chỉ 50% đến 60% công suất là phi kinh tế.
Nhà đầu tư nước ngoài vào ta là họ tính sản phẩm làm ra ở đây giá rẻ hơn nơi khác thì mới đầu tư. Nếu rẻ hơn thì đúng là có thể tính để xuất khẩu?
Có một câu hỏi đặt ra cho cả các nhà lãnh đạo và nhà quản lý ngành thép rằng Việt Nam có gì hấp dẫn mà thép vào nhiều đến thế? Tôi nghĩ đúng là Việt Nam có hấp dẫn hơn một số nước.
Thứ nhất, nhu cầu về thép là có tăng. GDP giữ được ổn định lâu như thế tức là nhu cầu thép có tăng, thị trường hứa hẹn thì người ta mới đầu tư. Trước tiên họ phải nhìn vào thị trường trong nước đã chứ đừng nghĩ người ta đầu tư chỉ để xuất khẩu, không có đâu.
Thứ hai, thép Việt Nam mới đạt bình quân 120 kg/đầu người, so với các nước công nghiệp là phải 500 kg. Tức là mình đang có một khoảng cách rất dài nếu như anh định xây dựng thành một nước công nghiệp.
Nếu thế thì phải cần đến 40 - 50 triệu tấn/năm thật...
Không thể tính theo đầu người như thế, phải tính cả điện, nước, giao thông, cảng... bao nhiêu cái đi kèm mới có thể lên được.
Con số hai mươi mấy triệu tấn đấy là đã tính cân đối cả các ngành kinh tế khác rồi. Nếu anh vọt lên thế thì thiếu điện, thiếu nước ngay chứ.
Anh sản xuất thép thì anh phải tính sẽ cung cấp cho những anh nào, cho xây dựng bao nhiêu, cho ôtô, cho đóng tàu, cho gia dụng bao nhiêu..., phải cân đối tất cả cái đó thì mới ra được quy hoach thép.
Nhưng quy hoạch thì chưa nhìn hết được thực tế. Nhiều quy hoạch của ta vẫn thay đổi luôn đấy...
Tôi đồng ý là quy hoạch cũng không có nghĩa là bất biến, tùy theo tình hình có thể thay đổi cho phù hợp, tuy nhiên nó vẫn phải là cơ sở, là định hướng phát triển.
Quy hoạch ngành thép mới phê duyệt tháng 9/2007 thì đến nay đã bị phá vỡ hết. Chúng tôi làm quy hoạch cũng đã tính đến hết nhu cầu trong nước, khả năng sản xuất hàng xuất khẩu...
Quy hoạch kéo dài hàng chục năm như thế, cũng có người có suy nghĩ bây giờ anh chỉ nhìn thấy cái khó khăn trước mắt, người nước ngoài họ có cái nhìn dài hơn thì không thấy bi quan như thế và vẫn đầu tư. Tôi cho là không phải.
Thị trường thép không phải là khả quan như nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn nhìn nhận, mỗi năm tăng hàng chục %... Tôi đã thấy có giai đoạn cả chục năm không tăng tí gì. Năm vừa rồi thì có Olympic Bắc Kinh, rồi các nước kinh tế đều tăng trưởng mạnh, cho nên tiêu thụ thép toàn cầu mới tăng được vài %. Mấy chục năm rồi mới có sự kiện như thế chứ trước đây không hề tăng.
Nhưng bù lại, năm nay và năm sau sẽ giảm, cũng phải mấy %.
Tức là đã có nhiều vấn đề nảy sinh?
Đầu tư ngành thép hiện nay, số lượng dự án là quá nhiều. Tôi nghĩ chúng ta đã chấp nhận quá dễ dãi, đối tác thì không có chọn lựa.
Cụ  thể là hai dự án đang “chờ” thì lại là hai đối tác lớn, tầm cỡ của ngành thép thế giới, có kinh nghiệm, công nghệ tốt và được Chính phủ đặt vấn đề mời đến đầu tư phát triển ngành thép của mình. Thậm chí, dự án đã đồng ý thì không còn đất nữa, như trường hợp Formosa đầu tư vào khu vực đã hứa dành cho Tata.
Còn ba dự án đang triển khai thì đối tác chẳng có kinh nghiệm hay thứ bậc gì về thép.
Thực tế, chúng ta đã phải trả giá. Cách đây hai năm, một doanh nghiệp Đài Loan đăng ký đầu tư dự án thép không gỉ trị giá 1 tỷ USD. Cho đến năm nay thì phải thu hồi giấy phép vì suốt từ đó đến nay dự án không hề được triển khai vì không có vốn. Nhu cầu của Việt Nam chỉ 100 ngàn tấn năm thì dự án này gần 1 triệu tấn/ năm. Tìm hiểu ra thì họ không có đồng nào, đến tiền làm luận chứng còn đang nợ.
Hay trường hợp Tycoon tại Dung Quất, đầu tiên bán cho Jin Nan (Trung Quốc), sau lại bán cho E.United và hiện chỉ còn nắm 10% cổ phần. Đây là một dạng bán lại dự án. Họ đăng ký, lợi dụng những ưu đãi của chúng ta để rồi bán cho đối tác khác ăn chênh lệch.
Hiện tượng bán dự án lại tiếp nối với Formosa, doanh nghiệp bán là Sunco, thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam. Bán cho Formosa, Sunco nhận được 5% cổ phần của dự án gần 8 tỷ USD này. Với những dự án như thế, Việt Nam sẽ không biết anh cuối cùng làm thép là anh nào.
Những ưu đãi thu hút đầu tư của Việt Nam thì biến thành lợi nhuận của những anh cơ hội, còn hậu quả thì ta gánh chịu. Họ giữ biết bao đất, lâu như thế. Hàng ngàn hộ lao động nông nghiệp mất đất, dự án khác muốn vào không được.
Với cơn bão tài chính lần này thì tôi chắc là không dễ mà tiếp tục triển khai. Tất cả các dự án đều là đi vay, với số vốn khổng lồ như thế này mà các doanh nghiệp đa số tiềm lực không có thì không thể dễ dàng vay vốn, nhất là trong tình hình kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Cho nên dấu hỏi đang được đặt ra là chúng ta đang trao quyền cho các địa phương quá lớn (quyền xét duyệt đầu tư - PV). Họ không biết chọn đối tác nào mà chỉ khoái là có dự án lớn vào, cứ khai vống lên anh cũng không biết. Những hậu quá ấy có nhìn được thấy trước không nếu cứ “say sưa” cộng dự án FDI?
Vậy quy hoạch ngành thép có thay đổi không, nhất là  trong bối cảnh suy thoái hiện nay, theo nhiều người nhận định là phải mất vài năm mới có thể phục hồi?
Vừa rồi đại diện một doanh nghiệp thép lớn trong nước đi châu Âu, gặp những đối tác thép thứ nhất, thứ hai thế giới, hỏi về triển vọng ngành thép sắp tới, họ đều lắc đầu không biết thế nào. Tất cả hiện nay chỉ biết ngồi im.
Năm nay chắc chắn tiêu thụ giảm hơn năm ngoái rồi. Năm sau còn khó khăn hơn thì chắc chắn tiêu thụ thép sẽ còn đi xuống.
Nhưng tình hình mới có biến động  được mấy tháng nay mà nói đổi quy hoạch lúc này thì chưa được. Quy hoạch không phải là bất biến, nhưng cũng không nên coi quy hoạch là tài liệu không giá trị gì. Ta tốn tiền, tốn công sức làm quy hoạch để làm gì?
Theo Anh Quân (VnEconomy)