Ngành Thuế đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 01/2021

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, người nộp thuế cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn nút tích hợp  các chi cục thuế khu vực hòa vào hệ thống thuế cả nước (ngày 26/2/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn nút tích hợp các chi cục thuế khu vực hòa vào hệ thống thuế cả nước (ngày 26/2/2020)

Trong bối cảnh đó, cùng với việc đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế, ngành Thuế đã chủ động báo cáo Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2020 được Quốc hội, Chính phủ giao.

Điểm nhấn hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế năm 2020

Hỗ trợ kịp thời cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thời gian qua, trước bối cảnh chung còn có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và các chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT) vượt qua khó khăn, thách thức.

Để hỗ trợ cho DN, người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, chính sách hỗ trợ về thuế có thể kể đến như: Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/2020/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 của Thủ tưởng Chính phủ về giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020...

Đặc biệt, để triển khai có hiệu quả Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cơ quan Thuế các cấp đã kịp thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ chính sách gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tiền thuê đất tới NNT. Thống kê cho thấy, năm 2020, đã có 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm.

Trong đó: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 87,2 nghìn tỷ đồng;  miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát để miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó, các khoản phí, lệ phí đã được áp dụng miễn, giảm gồm: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% mức phí công bố thông tin DN; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán...

Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 1700/TCT-DNNCN yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế trên toàn quốc đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ hỗ trợ hộ kinh doanh gặp khó khăn do Covid-19 theo quy định.

Tổng cục Thuế đã hướng dẫn các cục thuế địa phương triển khai nghiêm túc Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/2020 của Chính phủ về áp trần tỷ lệ lãi vay các DN có hoạt động liên kết. Theo đó, Nghị định này quy định xử lý hồi tố năm 2017, 2018 bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm, nâng trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN từ 20% lên 30%. Khoản tiền được hồi tố cho các DN lên đến gần 5.000 tỷ đồng…

Chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế

Để nắm bắt kịp thời mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN), Tổng cục Thuế đã thành lập Tổ thường trực đánh giá tác động của Covid-19 đến hoạt động của các DN đến tình hình thu NSNN tại cơ quan thuế các cấp.

Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế địa phương khẩn trương thực hiện rà soát toàn bộ NNT trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sản xuất, kinh doanh của NNT thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh; đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến từng ngành, lĩnh vực, từng NNT; tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Đặc biệt, năm 2020, ngành Thuế đã đưa vào vận hành 479 kênh thông tin hỗ trợ NNT để giải đáp vướng mắc của NNT bằng phương thức điện tử. Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ NNT được thiết lập thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 cục thuế trên cả nước và 415 chi cục thuế. Qua đó, tạo thuận lợi và mang lại nhiều lợi ích cho NNT trong việc tiếp cận thông tin quy định về chính sách thuế, về quản lý thuế, cũng như dễ dàng thực hiện thủ tục thuế.

Hoàn thành toàn diện công tác thuế năm 2020

Cùng với những kết quả ấn tượng trên, ngành Thuế đã hoàn thành toàn diện công tác quản lý thuế năm 2020. Kết quả này có được là do cơ quan Thuế các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp giãn, miễn, gia hạn nộp thuế giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các giải pháp này cũng đã tác động đến số thu NSNN.

Đặc biệt, từ ngày 01/7/2020, triển khai Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN nên số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đã giảm từ tháng 8/2020, cụ thể số thu từ tiền lương, tiền công tháng 8/2020 là 4.564,7 tỷ đồng, chỉ bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2019; số thu từ tiền lương tiền công tháng 9/2020 là 4.123, tỷ đồng, bằng 92,74% cùng kỳ năm 2019 và số thu từ tiền lương tiền công tháng 10/2020 là 6.759,047 tỷ đồng, bằng 90,17% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn thu từ lệ phí trước bạ cũng giảm mạnh, ước cả năm 2020 đạt trên 80% dự toán.

Ngành Thuế đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 - Ảnh 1

Ngoài triển khai đồng bộ các giải pháp giãn, miễn, gia hạn nộp thuế, ngành Thuế đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Năm 2020, cơ quan thuế đã thực hiện 79,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra 737,6 nghìn hồ sơ khai thuế; qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 69 nghìn tỷ đồng, kiến nghị thu nộp NSNN khoảng 19,1 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 11,1 nghìn tỷ đồng), kiến nghị xử phạt hành chính khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ và giảm khấu trừ 47,8 nghìn tỷ đồng; tích cực thu hồi 25,5 nghìn tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm 2019 chuyển sang; xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quuyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội khoảng 13,8 nghìn tỷ đồng.

Công tác quản lý nợ đọng thuế cũng được ngành Thuế đẩy mạnh triển khai. Với việc tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý nên ngành Thuế đã tăng thu cho ngân sách thêm hàng chục nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế mà ngành Thuế quản lý tính đến thời điểm cuối năm 2020 đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu trên tổng thu năm 2020 ở mức 4,1%.

Trong năm 2020, Tổng cục Thuế đã quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế, đơn giản hóa thủ tục, triển khai về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và đã hoàn thành việc tích hợp 120 thủ tục thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia điện tử hóa mức độ 3, 4. 

Về nộp thuế điện tử, ngành Thuế đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Kết quả, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế năm 2020 đạt tỷ lệ 98,7%. Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/12/2020, các DN đã nộp tiền thuế thông qua 3.209.540 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là 730.982 tỷ đồng… 

Với nỗ lực trên, ngành Thuế đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tổng thu ngân sách nhà nước của ngành Thuế thực hiện năm 2020 đạt 1.278.649 tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán, vượt 175.849 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội. Trong đó, thu nội địa đạt 1.244.073 tỷ đồng, bằng 102% dự toán, vượt 173.773 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội; thu từ dầu thô đạt 34.576 tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế

Để tiếp tục thực hiện công cuộc cải cách hệ thống thuế, cũng như đồng hành hỗ trợ DN, NNT vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2021, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo các cục thuế địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ NNT, cụ thể:

Thứ nhất, triển khai tốt các giải pháp hỗ trợ người dân, DN, cùng với đó, quản lý chặt chẽ nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời nguồn phát sinh vào NSNN, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính.

Thứ hai, phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Thứ ba, tập trung xây dựng và hoàn thiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030, qua đó tạo thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đẩy mạnh quản lý thuế theo rủi ro, từ đó hỗ trợ NNT ngày càng tốt hơn.