06 trọng tâm công tác của ngành Thuế trong năm 2021
Ngày 19/1/2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 15/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị toàn quốc về tổng kết công tác ngành Thuế năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021.
Tại Thông báo số 15/TB-VPCP, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả, thành tích đã đạt được của toàn ngành Thuế trong năm 2020, đặc biệt là công tác thu và quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), qua đó góp phần cùng cả nước đạt được những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Năm 2021 tiếp tục là năm có nhiều thử thách với nhiệm vụ thu NSNN, nhưng với sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết của cán bộ công chức, viên chức, người lao động toàn hệ thống và trên cơ sở những kết quả đạt trong thời gian qua, toàn ngành Thuế sẽ tiếp tục phát huy bề dày truyền thống, sẵn sàng triển khai tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới 2021-2025.
Phó Thủ tướng yêu cầu, ngay từ đầu năm 2021, toàn ngành Thuế chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao. Trong đó, tập trung triển khai 06 trọng tâm gồm:
Thứ nhất, tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thành xây dựng chiến lược cải cách thuế cho giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập, nhất là trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách (miễn, giảm thuế, giãn thuế) để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi Đại dịch Covid 19.
Thứ hai, xây dựng chính sách lấy người nộp thuế là trung tâm và là đối tượng phục vụ. Xây dựng chính sách phải chú trọng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam, cụ thể như: chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ.... Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2021
Thứ ba, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ, phải xây dựng được văn hóa, đội ngũ cán bộ "Liêm chính, chí công vô tư”, thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là của người đứng đầu. Nâng cao chất lượng nhân lực ngành Thuế, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức, đảm bảo tuân thủ pháp luật đúng pháp luật, quy định của Ngành khi thực thi công vụ. Thắt chặt kỷ luật kỷ cương, thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, nhất là các vị trí dễ xảy ra tiêu cực, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ; kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi Ngành những cán bộ công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành Thuế theo hướng điện tử hóa, số hóa quản lý thuế, tập trung cải cách quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế, mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu những phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ năm, tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh. Lĩnh vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn, chưa kiểm soát được nguồn tiền và thu nhập. Tiến tới thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh...
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử... Trong đó, tiến tới thanh tra, kiểm tra điện tử; đẩy mạnh công tác kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. Tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế, gần gũi, đồng hành cùng cơ quan thông tấn, báo chí, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu góp phần ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả; quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế; phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế; tăng cường quản lý hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức.