Ngành Thuế sẵn sàng kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử
Việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) là một bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của ngành Thuế, giúp đổi mới quản lý hóa đơn theo hướng hiện đại. Với sự chuẩn bị chu đáo và đồng bộ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, hiện nay ngành Thuế đã sẵn sàng kích hoạt hệ thống HĐĐT.
Tập trung triển khai đúng tiến độ
Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, việc hiện đại hóa hệ thống thuế và triển khai áp dụng HĐĐT là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 làm căn cứ triển khai hệ thống HĐĐT trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, việc triển khai HĐĐT được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 sẽ triển khai tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022 triển khai tiếp tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.
Ngày 20/9/2021, Bộ Tài chính cũng đã ban hành các quyết định gồm: Quyết định số 1830/QĐ-BTC, Quyết định số 1831/QĐ-BTC, Quyết định số 1832/QĐ-BTC, Quyết định số 1833/QĐ-BTC, Quyết định số 1838/QĐ-BTC, Quyết định số 1839/QĐ-BTC về việc triển khai HĐĐT đợt 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 1447/QĐ-BTC ngày 06/10/2021 về quy trình quản lý HĐĐT; Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 07/10/2021quy định về thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ HĐĐT và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế.
Đồng thời, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế địa phương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thành lập các Ban chỉ đạo do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm Trưởng ban và các thành viên tổ thường trực triển khai gồm đại diện các sở, ban, ngành tại địa phương.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo, phối hợp với các cục Thuế các tỉnh, thành phố gấp rút, khẩn trương triển khai thực hiện các nội chuẩn bị triển khai như ban hành quy trình quản lý HĐĐT; ban hành quy định thành phần dữ liệu nghiệp vụ và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế; thông báo tiếp nhận đề nghị đăng tải công khai thông tin hoặc ký hợp đồng truyền nhận với các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT. Cùng với đó, tiến hành tập huấn, phổ biến chính sách và tuyên truyền về HĐĐT đến cán bộ thuế; Xây dựng, kiểm thử và tập huấn hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng triển khai HĐĐT cho các đơn vị của Tổng cục và 6 cục thuế...
Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức khai trương hệ thống Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và 6 Cục Thuế thực hiện triển khai HĐĐT đợt 1.
Đối với việc lựa chọn các tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT, ngày 08/10/2021, Tổng cục Thuế đã ban hành Thông báo số 421/TB-TCT và Thông báo số 422/TB-TCT hướng dẫn việc lập hồ sơ đề nghị đăng tải công khai thông tin của tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT và đề nghị ký hợp đồng của tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu HĐĐT. Theo đó, thời gian ký hợp đồng với các tổ chức sẽ được thực hiện từ ngày 05/11/2021 và đến tháng 7/2022 để ký hợp đồng với tất cả các đơn vị đủ tiêu chuẩn.
Đem lại nhiều lợi ích
Theo ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế), HĐĐT không những tiện lợi mà có tính bảo mật và an toàn cao. Cụ thể HĐĐT được bảo vệ bằng chữ ký số của người bán hàng. Cơ quan thuế có thể dễ ràng để phát hiện và xử lý ngay tình trạng giả mạo hóa đơn điện tử.
Mặt khác, toàn bộ dữ liệu HĐĐT đều được gửi đến cơ quan thuế bằng đường truyền kết nối riêng, có cơ chế bảo mật trên đường truyền. Cơ quan thuế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu HĐĐT tập trung tại Tổng cục Thuế để cung cấp các dịch vụ cho người bán và người mua hàng hóa, dịch vụ có thể tự tra cứu, đối chiếu dữ liệu của hóa đơn với dữ liệu được quản lý tại cơ quan thuế.
Đáng chú ý, dựa trên công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data), cơ quan thuế có thể phân tích, đối chiếu thông tin hoá đơn với các thông tin về khai thuế, nộp thuế để có thể phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về sử dụng HĐĐT.
Có thể thấy, những lợi ích nổi bật của việc triển khai HĐĐT mà các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mua/bán hàng hóa, dịch vụ được thụ hưởng. Đó là người mua hàng hóa dễ dàng tra cứu và đối chiếu được HĐĐT do người bán hàng cung cấp. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng HĐĐT giúp giảm nhiều chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy (như giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển và lưu trữ hóa đơn,…), giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế.
Việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh được thuận lợi. Việc sử dụng HĐĐT cũng khắc phục triệt để một số rủi ro của hóa đơn giấy truyền thống như mất, hỏng, cháy.
Bên cạnh đó, việc sử dụng HĐĐT cũng tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Bởi vì sau khi nhận HĐĐT, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.
Đối với cơ quan thuế, việc sử dụng HĐĐT giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Việc triển khai HĐĐT góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, tổ chức và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.
Theo quy đinh, ngày 1/11/2021 là thời điểm bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến 15/11, trên cả nước có 255 doanh nghiệp thí điểm áp dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế theo Quyết định số 1209/QĐ-BTC của Bộ Tài chính và 599.535 doanh nghiệp áp dụng HĐĐT theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC.
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn do các doanh nghiệp gửi, số lượng HĐĐT doanh nghiệp sử dụng một năm khoảng gần 1,3 tỷ hóa đơn (tổng số hóa đơn do các doanh nghiệp trên cả nước sử dụng là khoảng 5,5 tỷ hóa đơn/năm bao gồm cả hóa đơn giấy, HĐĐT).