Ngành Thủy sản Việt Nam: Chưa thể gỡ được “thẻ vàng”?

Theo daibieunhandan.vn

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thủy sản, kết quả kiểm tra việc khắc phục “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) (từ ngày 4 - 14.11 vừa qua) sẽ được công bố vào cuối tháng 12 tới. Quá trình làm việc phái đoàn EC cũng có những đánh giá tích cực đối với nỗ lực của Việt Nam, tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản nhận định nhiều khả năng Việt Nam khó được gỡ “thẻ vàng” trong lần kiểm tra này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Còn tàu cá vi phạm “thẻ vàng”

Trong suốt 2 năm kiên định với mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng”, Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực vào cuộc cùng với các địa phương và ngư dân cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Tổng cục Thủy sản nhận định, một trong những điểm tích cực của lần kiểm tra này, về cơ bản Việt Nam đã đáp ứng các nhóm khuyến nghị của EC về khung pháp lý. Đối với 9 khuyến nghị của EC, Việt Nam hiện đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

28 địa phương ven biển đã thành lập các Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá, triển khai các thông tư, nghị định hướng dẫn, qua đó kiểm soát tàu cá, sản lượng hải sản phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, thu nộp nhật ký khai thác.

Các Bộ, ngành như Bộ Quốc phòng, Bộ NN - PTNT cũng đã tăng cường đàm phán, hợp tác tìm kiếm các giải pháp tổng thể nhằm đáp ứng các khuyến nghị của EC. Luật Thủy sản 2017 cũng đã dần hoàn thiện để làm cơ sở pháp lý quan trọng đối với nhóm khuyến nghị liên quan đến việc thực thi pháp luật trên biển. Hiện, Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực, ký kết đường dây nóng để xử lý các vấn đề trên biển.

Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho rằng, mặc dù được phía phái đoàn EC đánh giá cao nhưng có khả năng Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng”. Nguyên nhân chính là do tàu cá Việt Nam vẫn còn vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, phía EC cũng nhấn mạnh nếu như còn có tàu vi phạm ở vùng biển nước ngoài thì sẽ chưa gỡ được “thẻ vàng” vì đó là điều kiện tiên quyết.

Cũng theo ông Hùng, đợt kiểm tra này Việt Nam có thể chưa gỡ được “thẻ vàng” nhưng cũng không có nguy cơ lên “thẻ đỏ” vì phía EC đánh giá Việt Nam có nhiều điểm tiến bộ và có hướng đi tích cực. Giai đoạn này, ngành thủy sản đang duy trì “thẻ vàng” thì vẫn có thể xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu, tuy nhiên các hồ sơ của các công ty xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ bị kiểm soát 100%, nhất là việc kiểm soát về truy xuất nguồn gốc khai thác thủy sản bảo đảm tính hợp pháp nên thời gian cũng như thủ tục hành chính sẽ nhiều hơn so với giai đoạn trước.

Chấm dứt việc khai thác bất hợp pháp

Theo Tổng cục Thủy sản, trong thời gian tới cần phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong việc tháo gỡ “thẻ vàng”. Hiện, Bộ NN - PTNT đang tham mưu với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tổ chức cuộc họp ban chỉ đạo lần 3 để chỉ đạo rút kinh nghiệm triển khai những nhiệm vụ giải pháp trong tâm trong thời gian tới.

Các hồ sơ của các công ty xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU sẽ bị kiểm soát 100%, nhất là việc kiểm soát về truy xuất nguồn gốc khai thác thủy sản bảo đảm tính hợp pháp nên thời gian cũng như thủ tục hành chính sẽ nhiều hơn so với giai đoạn trước.

Giải pháp căn cơ nhất bây giờ cần phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài, Phó Thủ tướng cũng đã giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương để có những giải pháp hiệu quả, chấm dứt tình trạng tàu cá của Việt Nam vi phạm ở vùng biển nước ngoài.

Theo khuyến nghị của EC, hiện nay cần triển khai thực thi nghiêm Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, xử phạt tàu cá có xác định là vi phạm ở các vùng biển nước ngoài để đảm bảo răn đe cũng như tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác ở vùng biển nước ngoài. Cần phải thực hiện có hiệu quả những giải pháp để bảo đảm phát triển nghề cá bền vững, khai thác có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nhận định, dù ở mức độ nào đi chăng nữa, dù có “thẻ vàng” hay không có thì hiện nay ngành thủy sản vẫn còn nhiều việc phải làm. Thực tế trong thời gian qua, ngành thủy sản đã gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất chứ không phải chỉ có những khuyến nghị của bên phía EC yêu cầu. Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận nhiều về vấn đề tháo gỡ “thẻ vàng”, trong nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu ngành thủy sản cần phải tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá mạnh hơn nữa, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng KH-CN phục vụ cho nghề cá.

Đối với việc tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, cần phải tổ chức lại sản xuất trong ngành khai thác hải sản, tổ chức sản xuất phải có chuỗi gắn kết người đánh bắt với những đơn vị chế biến xuất khẩu. Phải đưa kỹ thuật khai thác vào, cải tiến nghề cá, cải tiến lại phương pháp bảo quản sau thu hoạch để làm sao giá trị kinh tế cao lên, thăm dò nguồn cá, dự báo ngư trường để bà con ngư dân có điều kiện đánh bắt có hiệu quả. Điều quan trọng nhất chính là phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng ngư dân đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, nếu tất cả mọi thứ Việt Nam đều làm tốt nhưng vẫn còn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp thì chắc chắn sẽ không thể nào gỡ được “thẻ vàng”.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực, trong đó Bộ NN - PTNT cùng các địa phương cũng đã có nhiều giải pháp, tuyên truyền vận động ngư dân khi đi đánh bắt phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện khai báo đánh bắt tại những khu vực được phép để thực hiện những yêu cầu mà EC đưa ra. 

Hiện nay, quy mô số lượng, các hộ khai thác thủy sản rất lớn, để thay đổi tất cả các hành vi trong cùng một lúc không phải đơn giản, hiện vẫn còn một số hộ ngư dân chưa chấp hành. Do đó, cần quyết tâm làm và làm quyết liệt hơn nữa nhất là việc xử lý vi phạm đủ sức răn đe để ngư dân tuân thủ các khuyến cáo mà EC đưa ra, nhanh chóng sớm được gỡ “thẻ vàng”.

Tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, tuy có nhiều quyết tâm trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” nhưng đây là vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần phải có sự đồng lòng, quyết tâm, kiên trì, sự quyết liệt vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, bà con ngư dân cần có trách nhiệm hơn vì danh dự của Việt Nam để có thể sớm thu hồi được “thẻ vàng” của EU, cùng chung tay tái cơ cấu ngành hải sản theo hướng bền vững.