Ngành Vận tải biển, Logistics toàn cầu trước mối lo tăng thuế từ chính sách thuế quan của Mỹ

Hiếu Phương

Trong bối cảnh quyết định áp thuế quan đối ứng của Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (ngày 9/4), ngành Hàng hải, Logistics và Vận tải biển thế giới cũng như Việt Nam đang nín thở chuẩn bị đối mặt với những khó khăn và tác động nặng nề được đánh giá là do ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong lĩnh vực vận tải và logistics toàn cầu.

Ngành vận tải biển đang nín thở chuẩn bị cho những khó khăn do sự gián đoạn trong lĩnh vực vận tải và logistics toàn cầu từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Ngành vận tải biển đang nín thở chuẩn bị cho những khó khăn do sự gián đoạn trong lĩnh vực vận tải và logistics toàn cầu từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Chiều 2/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.

Các mức thuế quan đối ứng được công bố, bao gồm mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế cao hơn đối với khoảng 60 quốc gia chính thức bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay, ngày 9/4 và được nhận định là không có ngoại lệ nào.

Theo nguồn tin từ gCaptain, việc tăng thuế mới được công bố của Tổng thống Trump dự kiến sẽ tác động đáng kể đến mô hình vận chuyển toàn cầu và giá cước container, đồng thời gây ra những hậu quả sâu rộng đối với thương mại hàng hải.

Trong bối cảnh các mức thuế bắt đầu chính thức có hiệu lực từ hôm nay, ngành Vận tải biển đang chuẩn bị cho sự gián đoạn đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải container, mà các nhà phân tích cho rằng sẽ chịu gánh nặng của tác động.

Ông Niels Rasmussen - Giám đốc phân tích vận tải biển của BIMCO (Hiệp hội Hàng hải quốc tế và vùng Baltic) cảnh báo, các biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% hàng nhập khẩu của Mỹ, khi các đối tác thương mại chính bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã cảnh báo về các biện pháp trả đũa.

Theo ông Rasmussen, từ góc độ vận chuyển, lĩnh vực container sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do hầu hết hàng hóa được vận chuyển trong container sẽ phải đối mặt với việc tăng thuế nhập khẩu.

Maersk - một trong những hãng vận tải container lớn nhất thế giới, dự đoán phản ứng ngay lập tức của thị trường. "Chúng tôi có thể thấy một số đơn đặt hàng vận tải hàng không gấp rút ở Mỹ trước khi thuế quan được công bố có hiệu lực. Cũng có khả năng chúng ta sẽ thấy sự gia tăng nhu cầu về kho ngoại quan vì khách hàng sẽ muốn trì hoãn việc thông quan hàng hóa cho tới khi họ chắc chắn hơn", một phát ngôn viên của Maersk cho biết.

Theo ông Ryan Petersen - Giám đốc điều hành Flexport, các doanh nghiệp đang trải qua tình trạng "tê liệt" trong việc đưa ra các quyết định chuỗi cung ứng dài hạn, khi các công ty phải vật lộn để thích ứng với bối cảnh thương mại thay đổi nhanh chóng. Các chuyên gia ước tính thuế quan tăng sẽ làm tăng thuế nhập khẩu của Mỹ gần 25% đối với hàng hóa bị ảnh hưởng, với thuế nhập khẩu tổng thể tăng 15-20%.

Trưởng bộ phận Thực hành Chuỗi cung ứng tại Moody's Andrei Quinn-Barabanov lưu ý rằng các công ty Hoa Kỳ đang tập trung vào cơ hội sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu nguyên liệu và đặt hàng ở nước ngoài để tránh thuế.

Mới đây, Nippon Yusen (NYK) - hãng tàu lớn nhất Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại rằng các mức thuế do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất có thể làm tăng giá nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là ô tô và hàng tiêu dùng khiến nhu cầu mua sắm giảm và làm chậm lại dòng chảy hàng hóa trên quy mô toàn cầu. Theo ông Takaya Soga - Chủ tịch NYK, người tiêu dùng là người gánh chịu gánh nặng chi phí cuối cùng nên khi giá cả tăng, nhu cầu tiêu dùng của họ sẽ giảm sút, tác động trực tiếp đến sản lượng vận chuyển hàng hóa của ngành vận tải biển.

Tuy nhiên, ông Soga cũng cho rằng mức độ ảnh hưởng đối với các công ty vận tải và logistics sẽ phụ thuộc vào lưu lượng hàng hóa thực tế. Mặc dù lưu lượng vận chuyển hàng hóa có thể giảm, nhưng các thủ tục thuế quan thay đổi do chính sách thuế đối ứng có hiệu lực có thể làm gián đoạn chuỗi logistics khiến nhu cầu tàu biển tăng lên và đẩy giá cước vận tải đi lên. Dù điều này chưa thực sự rõ ràng nhưng nó có thể mang lại cơ hội tiềm ẩn cho ngành vận tải biển giữa trung tâm của cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Các dự báo và phân tích trước đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về mức tăng thuế giả định là 10% (thấp hơn đáng kể so với mức tăng thực tế hiện nay) đã dự đoán sản lượng vận chuyển toàn cầu giảm 0,3% vào năm thứ ba và lạm phát toàn cầu tăng 0,4 điểm phần trăm. Tuy nhiên, theo chuyên gia Rasmussen, với mức thuế thực tế hầu như đã vượt quá các dự báo này, tác động kinh tế có thể nghiêm trọng hơn nhiều trên quy mô toàn cầu.

Theo chuyên gia phân tích của BIMCO, trong bối cảnh khó khăn này, ngành vận tải biển sẽ phải xoay chuyển theo hướng đẩy mạnh áp dụng công nghệ để thích nghi với thực tế mới. Các nhà lãnh đạo trong ngành đang cân nhắc chuyển sang các giải pháp công nghệ dựa trên Trí tuệ nhân tạo (AI), với việc ứng dụng các thuật toán mới hứa hẹn cải thiện đáng kể và giúp tối ưu hóa việc sử dụng container và lập kế hoạch tuyến đường vận tải hiệu quả hơn. Điều này được dự báo là có thể manh nha cho một giai đoạn chuyển đổi trong thương mại hàng hải toàn cầu trong thời gian tới.