Ngành Xây dựng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2018

PV.

Đó là nhận định của TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính và bất động sản tại buổi tọa đàm "Tiềm năng phát triển ngành xây dựng Việt nam năm 2018" do Báo Thanh Niên tổ chức mới đây.

Diễn giả chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh Finance Plus
Diễn giả chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh Finance Plus

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh kể cả vốn FDI lẫn các thương vụ mua bán sát nhập đổ vào bất động sản cuối 2017… Nhờ đó, đã nâng doanh thu của ngành Xây dựng lên 12,8 tỉ USD trong năm 2017.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, ngành Xây dựng Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ song song với sự tăng trưởng của GDP. Trong 3 năm từ 2015-2017 có thể thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Xây dựng. Bước vào năm 2018, ngành Xây dựng hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tăng trưởng này một cách ngoạn mục

Cùng chung nhận định với TS. Đinh Thế Hiển, Luật sư TS. Bùi Quang Tín cho rằng, với tốc độ đô thị hoá gia tăng mạnh mẽ, đây được coi là nền tảng của lĩnh vực xây dựng. Chuyên gia này cho rằng, báo cáo triển vọng đô thị hoá thế giới cũng thông tin tốc độ tăng trưởng dân số bình quân của Việt Nam là 1,2-1,5%/năm và tốc độ tăng trưởng trung bình là 3,4%/năm. Mức tăng ghi nhận vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khu vực ASEAN và các nước khác trên thế giới. Vì thế, tiềm năng tăng trưởng phân khúc nhà ở trong tương lai là rất lớn, nhu cầu văn phòng tăng mạnh mẽ và phân khúc công nghiệp, kho vận hoạt động tốt nhờ dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Tuy nhiên, để ngành Xây dựng phát triển bền vững, các DN trong ngành cần có giải pháp tối ưu về nguồn vốn bởi từ trước đến nay các DN trong ngành phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Điều này khiến cho một số DN rơi vào tình trạng giảm doanh thu, lợi nhuận, thậm chí nợ nần kéo dài.
TS. Bùi Quang Tín đưa ra lời khuyên các DN nên giảm dần nguồn vốn vay từ ngân hàng (ví dụ nhiều DN xây dựng hiện đang có khoản mục vay và nợ thuê tài chính lên đến gần 40% nợ phải trả) bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 nhằm vừa đảm bảo quyền lợi của cổ đông hiện hữu, vừa tăng sự gắn kết của họ và giảm đi gánh nặng tài chính cho DN xây dựng.
Theo ông Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty công ty Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình đánh giá, để phát triển bền vững và ổn định, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh để ngành Xây dựng thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.
Trong đó, cần cho phép các hiệp hội ngành nghề nói chung và Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nói riêng chia sẻ một phần nhiệm vụ quản lý chuyên ngành như việc đánh giá năng lực, xếp hạng nhà thầu, cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức các giải thưởng, để công tác này đi vào thực chất, có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế...

Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức những chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ nghề nghiệp có giá trị quốc tế cho đối tượng sẵn sàng đi lao động nước ngoài bao gồm cả công nhân, kỹ sư và chuyên gia trong ngành xây dựng. Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu phát triển và nhanh chóng cấp bằng sáng chế cho những phát minh kỹ thuật công nghệ mới trong xây dựng để đảm bảo năng lực cạnh tranh bền vững cho ngành Xây dựng Việt Nam...