Nghi án đổi chủ, chuyển nhượng để trốn thuế

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Thương vụ chuyển nhượng của Phở 24, Y khoa Hoàn Mỹ... có tên trong danh sách bị nghi trốn thuế nhưng cơ quan quản lý chưa có cơ sở để xử lý.

Thương vụ chuyển nhượng của Phở 24, Nha khoa Hoàn Mỹ bị nghi ngờ có dấu hiệu trốn thuế. Nguồn: internet
Thương vụ chuyển nhượng của Phở 24, Nha khoa Hoàn Mỹ bị nghi ngờ có dấu hiệu trốn thuế. Nguồn: internet

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa gửi Bộ Tài chính kiến nghị về cơ chế, chính sách để quản lý thu thuế hoạt động chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại, dựa trên kết quả kiểm tra thực tế trên địa bàn. Theo đó, việc chuyển nhượng vốn, cổ phần diễn ra dưới nhiều hình thức, cơ quan thuế không thể kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến thất thu.

Cụ thể, một số hợp đồng chuyển nhượng vốn theo thông tin của báo chí có phát sinh chênh lệch lớn giữa giá chuyển nhượng và giá vốn, tức là có phát sinh thu nhập nhưng doanh nghiệp lại không kê khai với cơ quan thuế. Một trong những ví dụ được nêu ra là các thương vụ liên quan đến Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Phở 24. Năm 2011, thương hiệu “Phở 24” được chuyển nhượng cho Công ty Việt Thái Quốc Tế (chủ thương hiệu Highlands Coffee), giá chuyển nhượng là 20 triệu USD, trong khi giá vốn chỉ một tỷ đồng.

Sau đó Việt Thái đã bán 50% cổ phần tại đây cho Jollibee - thương hiệu ăn nhanh nổi tiếng của Philippines với giá trị giao dịch là 25 triệu USD. Tuy nhiên, khi cơ quan thuế qua kiểm tra công ty mới chỉ đăng ký thay đổi tên người đại diện pháp luật cho ông Davaid  Thái, còn các thành viên và tỷ lệ góp vốn không thay đổi. Các bên chuyển nhượng cũng không cung cấp hợp đồng như thông tin báo chí đã nêu. Do đó, cơ quan thuế chưa có cơ sở để xử lý. Hiện Cục Thuế thành phố đang yêu cầu Công ty Phở 24 giải trình theo các thông tin trên.

Một số trường hợp thì việc chuyển nhượng diễn ra lòng vòng bằng cách thành lập nhiều công ty, nhiều chi nhánh, thay đổi nhiều địa điểm kinh doanh nên cơ quan thuế khó quản lý. Ví dụ như Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ thành lập Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Sài gòn do Chi cục Thuế quận 3 quản lý nhưng có nhiều chi nhánh tại các quận khác. Trước đây đơn vị này do Chi cục Thuế quận 3 quản lý nhưng từ năm 2010 chuyển đến 2 địa chỉ khác nhau tại quận 1 và đổi tên thành Y khoa Fortis Hoàn Mỹ lại thuộc Chi cục Thuế quận 1 quản lý. Đơn vị này cũng có 7 lần thay đổi Giấy chứng đăng ký doanh nghiệp và vốn điều lệ từ 118 tỷ đồng lên 155 tỷ đồng.

Công ty sau đó đã chuyển nhượng vốn cho cá nhân nước ngoài nhưng không kê khai, chỉ thay đổi tên người đại diện pháp luật. Nay qua rà soát công ty mới lập tờ khai chuyển nhượng vốn với giá vốn là 618 tỷ đồng và giá bán là 776 tỷ, phát sinh thu nhập là 157 tỷ. Theo đó, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 39 tỷ. Đồng thời, cá nhân làm thủ tục xin miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Singapore. Cục Thuế thành phố cũng đang yêu cầu đơn vị này phải giải trình.  

UBND TP. Hồ Chí Minh nêu thêm ví dụ về việc doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn điều lệ để chuyển nhượng với giá cao. Cụ thể, Công ty PT Global Investment thuộc, đã tăng vốn từ một tỷ lên 100 tỷ đồng, sau đó thành viên góp vốn 48% bán cho cá nhân nước ngoài với giá bán là 48 tỷ đồng, không phát sinh thuế phải nộp. Hiện công ty đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.

Không ít doanh nghiệp khác lại mua cổ phần với giá cao, sau đó kê khai chuyển nhượng với giá thấp bị lỗ và đưa vào chi phí tài chính để giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, UBND TP. Hồ Chí Minh lại đặt nghi vấn do hợp đồng chuyển nhượng có giá trị cao nhưng thu nhập phát sinh thấp. Masan chuyển nhượng vốn cho Vietnam Growth Capital Pte.Ltd (Singapore). Giá chuyển nhượng theo hợp đồng là 1.061,86 tỷ đồng, so với giá vốn là 1.061,62 tỷ đồng thì thu nhập phát sinh chỉ có 246 triệu đồng. Do đó, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp chỉ là 61 triệu đồng 

Hoặc với một "đại gia" khác là Công ty Intel Asia Holding Limited chuyển nhượng cho công ty trong cùng tập đoàn. Tại hợp đồng khai với cơ quan thuế thì giá bán bằng giá vốn (100 triệu USD) nên không phát sinh thu nhập...

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, hình thức chuyển nhượng vốn phong phú như đã nêu trên, nhưng chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan cấp phép. Thông tư 123 của Bộ Tài chính không quy định doanh nghiệp hoặc cơ quan cấp giấy phép đầu tư chỉ làm thủ tục thay đổi thành viên góp vốn khi doanh nghiệp chuyển nhượng vốn đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Do đó rất khó kiểm tra doanh nghiệp khi phát sinh chuyển nhượng vốn đã nộp thuế đối với hoạt động này hay chưa.

Từ những bất cập đó, địa phương đề xuất tăng cường công tác quản lý và kiểm tra việc kê khai thuế đối với chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại. Cụ thể, doanh nghiệp chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì bắt buộc phải lập hoá đơn giá trị gia tăng để kê khai nộp và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đơn vị nhận chuyển nhượng vốn nếu không có hoá đơn hợp pháp thì không được tính vào giá vốn khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cơ quan này cũng đề xuất nên quy định phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu việc chuyển nhượng không có chứng từ trên thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng và giá vốn chuyển nhượng.  

Doanh nghiệp chỉ thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn thì phải có hoá đơn chuyển nhượng, tờ kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân... đối với cá nhân chuyển nhượng vốn. Các quy định nêu trên được đề nghị áp dụng kể từ ngày 1/1/2014.

Trao đổi với báo chí sau khi nhận được đề xuất của TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng đây là một đề xuất đúng. Tuy nhiên, riêng trường hợp Intel Việt Nam, ông Tuấn khẳng định không có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực thuế. Việc đơn vị này chuyển nhượng vốn, theo ông Tuấn là để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu của tập đoàn, nâng bậc công ty tại Việt Nam lên ngang tầm các đơn vị khác trong khu vực.

Còn đối với những trường hợp khác theo kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, kiến nghị trên chỉ mang tính quản lý để đảm bảo sự công bằng chứ không nên trông chờ tăng thu ngân sách từ nguồn này vì không nhiều. Năm 2013, ngành thuế tiến hành tổng cộng 120.000 vụ thanh kiểm tra và thu 8.500 tỷ sai phạm, tuy nhiên chưa tách ra được nguồn thu từ các thương vụ chuyển nhượng.