Nghị định 24 tạo ra những thay đổi căn bản đối với thị trường vàng

PV.

Bằng sự quyết tâm, nỗ lực và các giải pháp đồng bộ của NHNN, trong hơn 3 năm triển khai khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng, thị trường vàng đã chuyển biến tích cực theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, không còn những cơn “sốt vàng” gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế được ngăn chặn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những năm gần đây, thị trường vàng chuyển biến tích cực theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra; Không còn những cơn “sốt vàng” gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội; Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ; tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế được ngăn chặn. Tạo nên những thay đổi tích cực đó chính là sự ra đờiNghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Nghị định 24 với nhiều thay đổi căn bản

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) nhằm hai mục tiêu chính: Một là tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng miếng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Hai là nâng cao vai trò quản lý thị trường vàng của Nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; từng bước huy động nguồn lực vàng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Về quyền sở hữu vàng, Nghị định 24 khẳng định rõ nguyên tắc: “Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, Nghị định 24 cũng khẳng định việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về sản xuất vàng miếng, Nghị định quy định Nhà nước thông qua NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, chỉ có NHNN được phép sản xuất vàng miếng, kể từ ngày 25/5/2012, không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được quyền sản xuất vàng miếng. Về mua bán vàng miếng, tổ chức và cá nhân chỉ được mua bán vàng miếng tại các TCTD và doanh nghiệp đủ điều kiện được NHNN cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Về xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, Nghị định giao NHNN tổ chức xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Nghị định 24 cũng quy định rõ về việc không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán nhằm hạn chế tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Tổ chức, cá nhân muốn sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thành lập doanh nghiệp và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thành lập doanh nghiệp.

Căn cứ các quy định của Nghị định 24, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 16/2013/QĐ-TTg ngày 04/3/2013 về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN.

Đồng thời, NHNN đã khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 24 bao gồm: Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 hướng dẫn một số điều của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Thông tư 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN, Quyết định 563/QĐ-NHNN ngày 18/3/2013 ban hành quy trình mua, bán vàng miếng của NHNN.

Điều hành bằng các giải pháp đồng bộ

Trên cơ sở khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24, một mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng bao gồm 38 TCTD và doanh nghiệp với các điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được thiết lập, có sự quản lý chặt chẽ, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng trên thị trường diễn ra thông suốt, ổn định, quyền lợi hợp pháp của người dân được đảm bảo và bảo vệ.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về bình ổn thị trường vàng và trên cơ sở đánh giá tình trạng cung cầu vàng trong nước, NHNN đã ban hành văn bản pháp quy và triển khai can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua hình thức đấu thấu bán vàng miếng, tạo nguồn cung ra thị trường, giúp thu hẹp sự mất cân đối về cung cầu.

NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong công tác quản lý thị trường vàng, như phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường quản lý đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc sửa đổi, bổ sung chính sách thuế phù hợp với định hướng quản lý; phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan Công an về các quy định quản lý hoạt động kinh doanh vàng phục vụ công tác phát hiện, điều tra và xử lý vi phạm của một số tổ chức có hành vi thành lập, kinh doanh vàng tài khoản, huy động vốn trái quy định của pháp luật.

Thực hiện chủ trương về chuyển quan hệ “huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ “mua, bán vàng”, từ năm 2011 đến giữa năm 2013, NHNN đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng lộ trình và giám sát chặt chẽ quá trình tất toán số dư huy động, giảm dần số dư cho vay vốn bằng vàng của các TCTD.

Ngày 01/5/2011, toàn bộ hoạt động cho vay vốn bằng vàng đã chấm dứt và ngày 25/11/2012, hoạt động huy động vốn bằng vàng đã chấm dứt. Đến đầu tháng 7/2013, tất cả 18 TCTD đã tất toán hoàn toàn số dư huy động vốn bằng vàng, loại trừ cơ bản rủi ro về huy động và cho vay vốn bằng vàng trong hoạt động của hệ thống các TCTD. Đối với số dư cho vay, các TCTD liên tục giảm dần số dư cho vay, tính đến cuối tháng 11/2015, dư nợ cho vay vàng của toàn hệ thống đã giảm hơn 96% so với 30/4/2012.

Từ năm 2014 đến nay, mặc dù giá vàng thế giới biến động khá phức tạp với nhiều phiên tăng/giảm mạnh nhưng thị trường vàng trong nước diễn biến ổn định, doanh số mua bán vàng miếng giảm. NHNN không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường; không phải cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, do thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ tự điều tiết. Do đó, nền kinh tế tiết kiệm được số lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng so với giai đoạn trước đây.