Nghị quyết 35 mở ra một tiền đề rất lớn cho phát triển nông nghiệp
Nghị quyết 35/2016/NQ-CP(NQ 35)đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tối thiểu phải có 1 triệudoanh nghiệp (DN), tạo tiền đề đểlĩnh vực nông nghiệp phát triển DN quy mô nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Bởi người dântin tưởng có chính sách hỗ trợcũng nhưtạo điều kiện của Nhà nước, từ đóhọ sẽ mạnh dạn đầu tư và thành lập các DN.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn khi trả lời báo chí xung quanh vấn đề triển khai thực hiện NQ 35 trong ngành Nông nghiệp.
Thưa Thứ trưởng, xin ông đôi nét đánh giá về tác động của NQ 35 đối với ngành Nông nghiệp?
-Tôi cho rằng NQ 35 thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời là bước rất quan trọng trong triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng (NQ 12). Trong đó, NQ 12 đã nhấn mạnh nội dung coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước, bên cạnh việc vẫn xác định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Đồng thời, từ trước tới nay chưa có NQ nào cụ thể và quy định rõ ràng, chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp tới từng bộ, ngành như NQ 35. NQ này đã tạo ra luồng sinh khí mới và niềm tin đối với các DN, khẳng định Nhà nước đồng hành với DN trong sự phát triển của đất nước. Tôi được biết, rất nhiều DN đã vui mừng phấn khởi khi NQ 35 được ban hành.
NQ 35 cũng mở ra một tiền đề rất lớn cho phát triển nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp hiện nay có hàng trăm nghìn hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Theo tinh thần của NQ 35, sẽ khuyến khích các hộ kinh doanh này mạnh dạn đầu tư, đăng ký thành lập DN. Hiện cả nước có khoảng 500 nghìn DN, trong khi đó mục tiêu NQ 35 đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 tối thiểu phải có 1 triệu DN. Do đó, lĩnh vực nông nghiệp rất có tiền đề để phát triển DN quy mô nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ vì họ tin tưởng vào chính sách hỗ trợ cũng như tạo điều kiện của Nhà nước trong NQ 35.
Trong NQ 35 có yêu cầu Bộ NN&PTNT rà soát, đánh giá việc thực hiện và đề xuất sửa đổi bổ sung các chính sách đối với DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Xin Thứ trưởng cho biết, Bộ đã đề xuất, sửa đổi bổ sung chính sách như thế nào?
-Hiện nay chúng ta có hai chính sách rất quan trọng là Nghị định 210 về chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và Nghị định 55 về ưu đãi vốn tín dụng. Ngoài ra, chúng ta còn có rất nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ vào nông nghiệp như chính sách xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 70 năm về phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo… Bộ đang tổ chức thực hiện quyết liệt Nghị quyết 19/2016/NQ-CP (NG 19) và NQ 35 gần đây, tập trung chủ yếu vào một số nội dung trọng điểm.
Thứ nhất, định hướng NQ 35 đặt ra là cần có chính sách tạo thuận lợi cho các DN bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN. Theo đó, chúng tôi đang rà soát lại các chính sách ưu đãi hiện nay trong nông nghiệp và đánh giá vì sao những chính sách đó không được chuyển thành hoạt động thực tiễn. Ví dụ các DN vẫn kêu là không tiếp cận được vốn tín dụng chứ chưa nói là vốn tín dụng ưu đãi; nhiều DN khó có thể tiếp cận chính sách ưu đãi theo Nghị định 210 của Chính phủ. Không chỉ đối với các DN trong nước, chúng tôi cũng đang soạn thảo Nghị định ưu đãi đầu tư của DN nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực an toàn thực phẩm và phân bón, thức ăn chăn nuôi.
Thứ hai, theo định hướng của NQ 35 là cần có chính sách tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận đất đai và sử dụng có hiệu quả đất đai nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp vừa phải thực hiện việc tạo điều kiện cho DN có đất để sản xuất, nhưng cũng phải đảm bảo chủ trương từ trước đến nay là “người cày có ruộng, nông dân phải có đất”, trong khi đó đất đai vẫn còn manh mún và gần như không có quỹ đất sạch quy mô lớn để giao cho DN. Chúng ta cũng không thể dùng biện pháp thu hồi đất của hộ dân để giao cho DN, mà phải thông qua việc thực hiện chương trình sắp xếp nông lâm nghiệp để dành ra một quỹ đất nhất định để các DN đầu tư vào nông nghiệp, nhất là về chế biến, sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Thứ ba, chúng tôi thực hiện cổ phần hóa (CPH) mạnh mẽ cùng với tái cơ cấu các DN nhà nước, bởi thực chất CPH là thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi đang có phương án riêng, sẽ dành quỹ đất khoảng 1 triệu ha ở các công ty nông lâm nghiệp để thực hiện CPH. Cùng với đó, sẽ tiếp tục thoái vốn, bán vốn ở các DN khác. Bộ NN&PTNT quyết tâm đến năm 2017 sẽ CPH 100% DN vốn nhà nước mà Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT đại diện chủ sở hữu. Trong năm nay, những đơn vị đã CPH rồi thì tiếp tục thoái vốn và nhiều đơn vị thoái vốn xuống 0% như: Tổng công ty Rau quả, Tổng công ty Chè… để thu hút đầu tư của DN khác.
Theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ, ngành phải xây dựng chương trình hành động thực hiện NQ 35, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7/2016. Vậy xin Thứ trưởng cho biết Bộ NN&PTNT đã thực hiện đến đâu ?
-Chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện 2 NQ 19 và 35. Nếu không có gì thay đổi thì trước ngày 15/6 tới, Bộ NN&PTNT sẽ có kế hoạch cụ thể về thực hiện NQ 35 và NQ 19. Hai NQ này có quan hệ chặt chẽ với nhau. NQ 19 là cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ yếu để tạo môi trường cho DN hoạt động mạnh mẽ lên, còn NQ 35 thì có cơ chế chính sách cùng với cải cách hành chính tạo môi trường và minh bạch trong quản lý nhà nước.
Như tôi đã nêu trên, có hai lĩnh vực rất quan trọng chúng tôi đang làm là rà soát các cơ chế chính sách liên quan, gắn với quá trình cải cách hành chính. Chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm túc các quy định về điều kiện kinh doanh liên quan trực tiếp đến DN. Mới đây, chúng tôi đã trình Chính phủ một nghị định là giảm từ 99 ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp xuống còn 32 ngành nghề. Mỗi một ngành nghề sẽ đi sâu giảm tất cả những điều kiện về hành chính để giảm chi phí cho DN.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!