Nghĩa vụ thuế khi ủy quyền làm thủ tục tặng cho bất động sản

Theo chinhphu.vn

Gia đình ông Lưu Phúc (tỉnh Hưng Yên) có 3 anh chị em. Sau khi làm thủ tục cho tặng quyền sử dụng đất mà bố ông để lại, do điều kiện ở xa, ông đã ủy quyền cho một người bạn thực hiện quyền của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: PLF
Ảnh minh họa. Nguồn: PLF

Tuy nhiên, khi bạn của ông Phúc nộp hồ sơ vào văn phòng đăng ký thì được trả lời, đối với hồ sơ cho tặng quyền sử dụng đất, nếu giấy ủy quyền mà người được ủy quyền không phải người trong gia đình thì vẫn phải nộp thuế. Ông Phúc hỏi, như vậy có đúng không? Nếu phải nộp thuế thì là thuế gì và được quy định tại văn bản nào?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Phúc hỏi như sau:

Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Thực hiện đúng quy định đó thì, hợp đồng ủy quyền bất động sản không làm phát sinh việc chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản từ người ủy quyền sang người được ủy quyền mà chỉ là sự thay đổi chủ thể thực hiện các quyền của chủ sở hữu bất động sản.

Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các văn bản hướng dẫn hiện hành, đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, bên chuyển nhượng là cá nhân sẽ phải nộp thuế TNCN với mức thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng.

Thực tế đã phát sinh hiện tượng để trốn thuế TNCN, bên nhận chuyển nhượng và bên chuyển nhượng thỏa thuận với nhau thay vì ký hợp đồng chuyển nhượng, họ đã giả cách bằng việc ký hợp đồng uỷ quyền giao dịch bất động sản với mục đích người nhận chuyển nhượng được thay mặt người chuyển nhượng toàn quyền sử dụng, định đoạt bất động sản như mua bán, tặng cho với bên thứ ba mà không phải chịu thuế TNCN.

Các trường hợp được miễn thuế

Ngày 15/8/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN.

Tại Điểm b.2, Khoản 3, Điều 1; Điểm e, Khoản 5, Điều 2 và Điểm a, Điểm d Khoản 1, Điều 3 của Thông tư này hướng dẫn như sau:

- Về người nộp thuế, trường hợp uỷ quyền quản lý bất động sản mà cá nhân được uỷ quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có các quyền như đối với cá nhân sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật thì người nộp thuế là cá nhân ủy quyền bất động sản.

- Về thu nhập chịu thuế: Thu nhập từ việc uỷ quyền quản lý bất động sản mà người được uỷ quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có quyền như người sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật.

- Về thu nhập được miễn thuế gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) và thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.

Từ các quy định nêu trên, nhận thấy, ủy quyền giao dịch bất động sản là một hoạt động giao dịch dân sự được luật pháp cho phép.

Tuy nhiên, việc cá nhân có đầy đủ năng lực dân sự mà ủy quyền cho cá nhân khác không thuộc đối tượng được miễn thuế theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4, Điều 4 Luật Thuế TNCN (hướng dẫn tại Điểm a, Điểm d, Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 111/2013/TT-BTC), được toàn quyền thực hiện việc chiếm hữu, quản lý, sử dụng và định đoạt bất động sản của mình bao gồm cả việc cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, đổi, cho tặng, thế chấp và không phải hoàn trả lại bất động sản cho bên ủy quyền và các lợi ích có được từ hoạt động ủy quyền; đồng thời bên được ủy quyền không nhận thù lao thì bị coi như là hoạt động mua, bán bất động sản. Do đó, người ủy quyền phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế TNCN theo quy định của Luật Thuế TNCN.

Nhưng thực tế, không phải tất cả hợp đồng uỷ quyền bất động sản bao gồm cả việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt bất động sản đều là giả tạo nhằm trốn thuế. Nhiều trường hợp do điều kiện cư trú, đi lại khó khăn; hoặc do già yếu, sức khỏe, thời gian, kinh nghiệm giao dịch… nên chủ sở hữu bất động sản đã ủy quyền cho người được ủy quyền thực hiện các quyền của chủ sở hữu, trong đó có việc thay mặt chủ sở hữu chuyển nhượng, tặng cho bất động sản cho bên thứ ba.

Trường hợp ông Lưu Phúc ủy quyền cho một người bạn thay mặt mình ký kết thực hiện hợp đồng tặng cho bất động sản với đối tượng được miễn thuế, nhưng vẫn bị tính thuế TNCN là có căn cứ.

Tuy nhiên, ông Phúc có thể gửi đơn kèm theo đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hợp đồng ủy quyền là ngay tình, đề nghị cơ quan thuế xem xét lại việc tính thuế. Hoặc, ông Phúc có thể yêu cầu người được ủy quyền và người được tặng cho đến Văn phòng công chứng lập hợp đồng hủy bỏ hợp đồng tặng cho đã lập. Sau đó, ông và người được ủy quyền lập hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền, để với tư cách là chủ sở hữu bất động sản, ông Lưu Phúc trực tiếp ký kết thực hiện hợp đồng tặng cho bất động sản với người được tặng cho.