Ngành Thuế: Sửa đổi chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, trong năm 2017 và những năm tới, ngành Thuế tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 36a/NQ-CP và Nghị quyết 19/2017/NQ-CP.
Đồng thời lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của cộng đồng DN, qua đó tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, tăng tính minh bạch trong quản lý thuế của ngành Thuế.
97% doanh nghiệp đánh giá hệ thống thuế điện tử tiện lợi
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, trong năm 2016, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, với nỗ lực, quyết tâm cao của toàn ngành Thuế, năm 2016, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế đã được cộng đồng doanh nghiệp (DN) ghi nhận và đánh giá cao. Ngành Thuế đã phát huy tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tiết kiệm thời gian, chi phí của DN và hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với DN trong quá trình khai thuế, tính thuế.
Bên cạnh đó, thực hiện công khai, minh bạch quy trình, quy chế về quản lý thuế để người nộp thuế biết, theo dõi và giám sát. Đồng thời, công khai các TTHC thuế bằng nhiều hình thức, hỗ trợ người nộp thuế; phối hợp với các bộ, ngành, các đơn vị có liên quan để thực hiện cải cách TTHC, nhằm mục tiêu đơn giản hóa TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế, giảm thời gian thực hiện TTHC, đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước...
Ông Nam khẳng định, Tổng cục Thuế luôn đề cao cải cách TTHC trong quá trình xây dựng thể chế, qua đó kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới TTHC, thực hiện nghiêm việc rà soát chuẩn hóa TTHC theo quy định.
Báo cáo từ Ban Cải cách và hiện đại hóa – Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2016, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành mới 7 TTHC và bãi bỏ 92 TTHC, đồng thời trình Bộ Tài chính ban hành quyết định 1500/QĐ-BTC về chuẩn hóa các TTHC lĩnh vực thuế. Theo đó, tính đến hết năm 2016, số TTHC thuế giảm từ 385 xuống còn 300, giảm 85 TTHC so với thời điểm 31/12/2015 (đạt tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa 21,1%), 300 TTHC thuế đã được chuẩn hóa theo quy định.
Điểm đáng chú ý về cải cách TTHC thuế năm 2016, trong 300 TTHC lĩnh vực thuế, có tới 118 TTHC được thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4.
Tính đến hết năm 2016, hệ thống khai thuế qua mạng và dịch vụ nộp thuế điện tử đã triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố, cụ thể: Đã có 566.662 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế qua mạng, đạt 99,81% trên tổng số 567.768 DN đang hoạt động trên cả nước, số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận và xử lý trên 35,8 triệu hồ sơ. Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối triển khai nộp thuế điện tử với 43 ngân hàng thương mại.
Số liệu khảo sát về sự hài lòng của DN về triển khai hệ thống thuế điện tử do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện cho thấy, 94% DN cho rằng hệ thống thuế điện tử đã giúp cho việc tra soát, đối chiếu thông tin tiền thuế đã nộp dễ dàng, thuận tiện, 97% DN cho rằng thủ tục đơn giản, dễ thực hiện, 97% đánh giá hệ thống thuế điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian như kỳ vọng.
Tăng tính minh bạch trong quản lý thuế
Tổng Cục trưởng Bùi Văn Nam cho biết, trong năm 2017 và những năm tới, ngành Thuế tiếp tục sửa đổi về thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và đáp ứng thông lệ quốc tế. Trong đó, tổng kết đánh giá thực hiện Luật Quản lý thuế, nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định của Luật Quản lý thuế đảm bảo thống nhất, đồng bộ với mục tiêu: Đổi mới cơ chế quản lý thuế theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu quản lý thuế, quản lý thuế dựa trên quản lý rủi ro; xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng nộp thuế để phục vụ quản lý thuế; đáp ứng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế, thực hiện kết nối thông tin với các bộ, ngành; thực hiện cơ quan thuế điện tử.
Với mục tiêu đó, ngành Thuế sẽ thực hiện sửa đổi chế độ về in, phát hành, sử dụng hóa đơn để tạo thuận lợi cho DN, chống gian lận thuế đối với các nội dung như: Quy định một số loại hình DN bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử; quy định cơ quan thuế hỗ trợ DN vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế; DN được sử dụng hóa đơn kể từ ngày thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với các thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu được lập đúng theo quy định; rút ngắn thời gian đăng ký sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp từ 5 ngày xuống 1 ngày làm việc (bao gồm DN mới thành lập).
Rà soát để sửa đổi bổ sung các nội dung như cơ chế chính sách thuế, đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế, quyết toán thuế, mẫu tờ khai,… quy định tại các văn bản như thông tư, quyết định của Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; xây dựng cơ sở dữ liệu thuế; đổi mới cơ chế thu và quản lý đối với DN nhỏ và hộ kinh doanh, thu trước bạ, thuế liên quan đến nhà đất.
Ngành Thuế cũng sẽ rà soát sửa đổi, bổ sung quy trình nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến người nộp thuế để đổi mới cơ chế quản lý thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử, thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 19/2017/NQ-CP.