Nghịch lý tài khoản mở mới tăng, tiền gửi thanh toán giảm mạnh


Áp lực lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn tăng cao, nhất là từ quý IV/2022 đến nay, trong khi các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản, vàng) trong xu hướng giảm là nguyên nhân khiến tiền gửi không kỳ hạn giảm.

Tổng số dư trên tài khoản tới quý III/2022 đạt gần 915,1 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 71 nghìn tỷ, tương đương 7,2% so với quý liền trước.
Tổng số dư trên tài khoản tới quý III/2022 đạt gần 915,1 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 71 nghìn tỷ, tương đương 7,2% so với quý liền trước.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cập nhật dữ liệu mới nhất về tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân tại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp trong 9 quý qua, tiền gửi thanh toán của dân cư tại ngân hàng bị sụt giảm.

Tài khoản mở mới tăng

Cập nhật đến hết quý III/2022, tổng số lượng tài khoản đạt gần 141,24 triệu tài khoản, tăng trưởng 6,1% so với cuối quý II/2022. Tuy nhiên, tổng số dư trên tài khoản tới thời điểm này chỉ đạt gần 915,1 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 71 nghìn tỷ, tương đương 7,2% so với quý liền trước.

Đáng chú ý, với lượng tài khoản mở mới tăng lên nhưng số dư vẫn giảm mạnh như trên cho thấy "mức độ giảm kép" của diễn biến này.

Nhìn lại từ năm 2013 đến nay, chỉ có 7/38 quý ghi nhận tiền gửi thanh toán sụt giảm; trong đó, quý III/2022 là quý giảm mạnh nhất, xét về giá trị tuyệt đối. Điều này khiến số dư bình quân trên mỗi tài khoản tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 6,48 triệu đồng, so với mức 7,41 triệu đồng cuối quý II/2022 và 8,27 triệu đồng cuối quý I/2022. Xu hướng này được nhìn nhận có thể tiếp tục được kéo dài sang quý IV /2022.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 vừa được WiGroup công bố, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA) năm 2022 có xu hướng giảm tại hầu hết các NHTM, đặc biệt là trong các tháng cuối năm, do sự tăng lên của lãi suất huy động. Sự sụt giảm lớn nhất diễn ra tại các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ (như VietABank, Kienlongbank,..), khi dòng tiền chạy khỏi các ngân hàng này trước những rủi ro sụp đổ liên quan đến tính thanh khoản.

Trong khi đó, tại các NHTM Nhà nước, mức biến động CASA trong năm 2022 lại gần như không đáng kể, trong đó, Vietcombank đã thu hẹp khoảng cách với nhóm top đầu từ khoảng 15% so với trước kia, xuống chỉ còn chưa đến 1,5%.

Nhóm phân tích cho rằng cuộc đua về tỷ lệ CASA năm 2023 sẽ tiếp tục có lợi cho các NHTM quốc doanh nhờ vào những lợi thế sẵn có và sự thay đổi trong chính sách về phí dịch vụ của các đơn vị này.

Thống kê của VnBusiness tại báo cáo tài chính năm 2022 của các ngân hàng thương mại cho thấy, tỷ lệ CASA tiếp tục giảm mạnh tại nhiều thành viên trong quý cuối cùng của năm qua. Trong đó 2 nhà băng là Techcombank và MB để mất “ngôi vương” sau 2 năm liền.

Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank liên tục giảm kể từ quý II/2022, khiến tỷ lệ C của ngân hàng này từ mức kỷ lục 50,5% giảm về còn 37% vào cuối năm 2022.

MB cũng ghi nhận CASA sụt giảm, từ 48,7% vào cuối năm 2021 xuống còn 40,6% cuối năm 2022. Tuy nhiên, mức sụt giảm này nhẹ hơn so Techcombank, giúp MB quay lại vị trí số 1 (ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất) sau nhiều năm bị “vượt mặt”.

Mặc dù rút ngắn khoảng cách với nhóm đầu, nhưng tỷ lệ CASA của Vietcombank trong năm qua cũng giảm nhẹ từ 35,7% xuống 33,9%. Một số thành viên khác cũng ghi nhận tỷ lệ CASA trong năm giảm mạnh như: KienLongBank giảm từ 15,5% xuống còn 4%, VietABank từ 11,9% xuống 4,1%, OCB giảm 4,8 điểm %...

Lãi suất sẽ hạ nhiệt?

Theo như lý giải của lãnh đạo một ngân hàng thương mại có tỷ lệ CASA thuộc top đầu hệ thống, bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, đồng thời các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản, vàng) nhiều bất ổn trong thời gian qua là nguyên nhân khiến lượng tiền gửi CASA của hầu hết ngân hàng sụt giảm mạnh khi nhiều người có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm.

Tại Toạ đàm "FiinGroup Invest Summit: Điểm sáng Đầu tư năm 2023", bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng, Khối Phân tích Định chế Tài chính FiinGroup, nhận định lãi suất sẽ không tăng trong vòng nửa năm tới và có thể giảm trong nửa cuối năm.

Còn trong báo cáo vĩ mô tháng 2, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh vào quý I và sau đó giảm dần từ quý II/2023. Theo số liệu từ VNDirect, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1. Tính đến cuối tháng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân và ngân hàng quốc doanh lần lượt là 7,4% và 8,2%.

Theo dõi thị trường có thể thấy, trong tháng 2 đã có loạt ngân hàng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất huy động, bước giảm từ 0,3 - 0,5 điểm %, mức lãi suất huy động cao nhất trên 10% đã không còn xuất hiện phổ biến tại nhiều ngân hàng như trước. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định so với đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản thì kênh gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn người dân.

Như vậy, nửa đầu năm các ngân hàng sẽ khó khăn trong việc cải thiện tỷ lệ CASA, bởi nền lãi suất vẫn ở mức cao khiến người dân có xu hướng ưu tiên gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi.

Chứng khoán Yuanta dự báo, tăng trưởng tiền gửi CASA sẽ vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức cao và điều kiện thanh khoản hạn hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhận định của Yuanta, tỷ lệ CASA của ngành ngân hàng có thể sẽ được cải thiện hơn trong nửa cuối năm khi lãi suất hạ nhiệt.

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn