Tiền gửi thanh toán của dân cư tại ngân hàng liên tiếp giảm mạnh


Tổng số dư trên tài khoản thanh toán đến quý 3/2022 chỉ đạt gần 915,1 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 71 nghìn tỷ, tương đương 7,2% so với quý liền trước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổng số dư trên tài khoản thanh toán đến quý III/2022 chỉ đạt gần 915,1 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 71 nghìn tỷ, tương đương 7,2% so với quý liền trước.

Diễn biến trên đánh dấu quý thứ hai liên tiếp trong 9 quý qua tiền gửi thanh toán của dân cư tại ngân hàng bị sụt giảm, đặc biệt với dấu mốc tháng 10/2022 đầy biến động trên thị trường và trong hoạt động ngân hàng.

Quý giảm mạnh nhất

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dữ liệu mới nhất về tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân tại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, cập nhật đến hết quý III/2022, tổng số lượng tài khoản đạt gần 141,24 triệu tài khoản, tăng trưởng 6,1% so với cuối quý II/2022.

Tuy nhiên, tổng số dư trên tài khoản tới thời điểm này chỉ đạt gần 915,1 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 71 nghìn tỷ, tương đương 7,2% so với quý liền trước, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp trong 9 quý qua tiền gửi thanh toán của dân cư tại ngân hàng bị sụt giảm.

Đáng chú ý, với lượng tài khoản mở mới tăng lên nhưng số dư vẫn giảm mạnh như trên cho thấy "mức độ giảm kép" của diễn biến này.

Nguồn số liệu: Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn số liệu: Ngân hàng Nhà nước.
 

Nhìn lại từ năm 2013 đến nay, chỉ có 7/38 quý ghi nhận tiền gửi thanh toán sụt giảm; trong đó, quý III/2022 là quý giảm mạnh nhất, xét về giá trị tuyệt đối.

Điều này khiến số dư bình quân trên mỗi tài khoản tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 6,48 triệu đồng, so với mức 7,41 triệu đồng cuối quý II/2022 và 8,27 triệu đồng cuối quý I/2022.

Nguồn số liệu: Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn số liệu: Ngân hàng Nhà nước.

 

Xu hướng này được nhìn nhận có thể tiếp tục được kéo dài sang quý IV/2022. Mặc dù chưa có số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước nhưng những con số cập nhật mới nhất trên bảng cân đối kế toán của các nhà băng cho thấy, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA) tiếp tục giảm mạnh tại nhiều thành viên trong quý cuối cùng của năm qua.

Khảo sát tại 28 ngân hàng đã công bố BCTC quý IV/2022 cho thấy, có tới 23 ngân hàng, tương đương tỷ lệ hơn 82%, ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong 12 tháng qua. Tỷ lệ CASA bình quân của nhóm theo đó đã giảm khá mạnh, xuống còn 15,1%, từ mức 18% hồi đầu năm 2022.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2022 của các ngân hàng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2022 của các ngân hàng
 

Một số thành viên ghi nhận tỷ lệ CASA trong năm giảm mạnh bao gồm KienLongBank giảm từ 15,5% xuống còn 4%, VietABank từ 11,9% xuống 4,1%, OCB giảm 4,8 điểm %...

Đáng chú ý, việc tỷ lệ CASA đi xuống không chỉ diễn ra ở các thành viên có quy mô vừa và nhỏ. Những nhà băng vốn luôn đứng đầu hệ thống trong việc thu hút nguồn vốn rẻ cũng ghi nhận lượng tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm khá mạnh trong năm qua như Techcombank giảm mạnh 13,5 điểm %, MB giảm 7,6 điểm %, MSB giảm 4,7 điểm %,…

Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2022 của các ngân hàng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2022 của các ngân hàng

 

Dòng tiền đã đi đâu?

Có thể thấy, sau hơn hai năm trải qua đại dịch, nền kinh tế dù đã phần nào phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, lượng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp và người dân vì thế không còn được dồi dào như trước.

Bên cạnh đó, điều này cũng có thể được lý giải khi nhìn vào tính chất lỏng lẻo trong cơ cấu cân đối vốn cùng độ nhạy với mức độ thay đổi lãi suất của nguồn vốn, đặt trong bối cảnh lãi suất huy động tại Việt Nam tăng cao trở lại trong nửa sau năm 2022.

Bởi, khi lãi suất huy động tăng, một phần lượng tiền từ tài khoản thanh toán sẽ được dịch chuyển vào tài khoản tiết kiệm với kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất hấp dẫn hơn.

Một lý do quan trọng nữa, những tháng cuối năm 2022, nhiều ngân hàng thương mại đã lấp gần đầy room tín dụng, trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nới chỉ tiêu, nguồn tín dụng mới trở nên hạn chế.

Khi khó vay vốn mới, các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi để tại ngân hàng cho sản xuất kinh doanh thay vì để ở dạng không kỳ hạn như trước đây.

Còn theo như lý giải của lãnh đạo một ngân hàng thương mại có tỷ lệ CASA thuộc top đầu hệ thống, bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm, do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm.

Theo Trần Thúy/nhipsongkinhdoanh.vn