Nghịch lý trên thị trường chứng khoán

Theo Minh Khuê/vnbusiness.vn

Chỉ số Vn-Index đã phá vỡ các rào cản tâm lý, tăng chạm đỉnh lịch sử hơn 1.300 điểm là mức điểm cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán thành lập. Diễn biến thuận lợi này đã mang về cho không ít nhà đầu tư khoản lợi nhuận “khủng” nhưng vẫn có nhiều người phải ngậm đắng nuốt cay cầu mong ngày “vào bờ”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kể từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục bứt phá mạnh, bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/5, chỉ số Vn-Index đã xuất sắc vượt qua mốc 1.300 điểm, xác lập kỷ lục mới, tăng 18,5% so với đầu năm và nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.

Thanh khoản của thị trường cũng xác lập nhiều kỷ lục với những phiên giao dịch có khối lượng khớp lệnh vượt 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, quy mô vốn hóa của thị trường cũng đang cao nhất lịch sử khi đạt hơn 6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 1 triệu tỷ đồng so với đầu năm.

“Trái đắng” trên đỉnh vinh quang

Dù giữa cơn “bão giá” của thị trường chung thì vẫn có đâu đó những nhà đầu tư phải nhận “trái đắng” khi một số giá cổ phiếu vẫn “quyết tâm” đứng ngoài xu thế chung. Đầu tiên phải kể đến một tên tuổi lớn trong ngành xây dựng là CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD).

Kể từ đầu tháng 5 đến nay, cổ phiếu này đã liên tiếp giảm từ mức giá 64.200 đồng/cp xuống còn 58.000 đồng/cp như hiện nay, tương đương đánh mất gần 10% giá trị.

Trước đó, hồi giữa tháng 5, có thời điểm CTD còn lao dốc xuống mức giá 52.000 đồng/cp, tương đương 19%. Còn nếu so với đầu năm, CTD đã ghi nhận mức giảm khoảng 31% từ vùng giá 84.000 đồng/cp.

Bên cạnh CTD, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng đang là nỗi thất vọng lớn với giới đầu tư khi khi rơi vào tình trạng “dowtrend” bất chấp thị trường liên tiếp lập đỉnh. Hiện, thị giá VNM chỉ còn 91.000 đồng/cp, giảm 16% so với đầu năm.

Đáng chú ý, VNM cũng là một trong những cổ phiếu thường xuyên bị bán ròng trong thời gian gần đây. Thống kê trong 5 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng hơn 6.500 tỷ đồng cổ phiếu VNM và đây cũng là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, các nhà đầu tư cũng tỏ ra chán nản với sự “mãi không chịu lớn” của cổ phiếu VIX (CTCP Chứng khoán VIX) khi những “người bạn” khác trong nhóm chứng khoán đều đã trưởng thành.

Kể từ đầu tháng 5 đến nay, VIX đã khiến các cổ đông không ít lần "đau tim" bởi những phiên giảm sâu cùng áp lực bán mạnh. Giá cổ phiếu này cũng đã giảm sâu từ vùng 34.000 đồng/cp về vùng giá 27.000 đồng/cp như hiện nay.

Một trường hợp khá "đau xót" với nhà đầu tư là GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex). Sau giai đoạn thăng hoa đầu năm, mã cổ phiếu này đã bất ngờ giảm sâu những ngày gần đây.

Từ đỉnh 80.000 đồng/cp vào phiên 13/5, GIL đã có chuỗi phiên giảm liên tiếp và thậm chí đến ngày 21/5 chỉ còn 58.300 đồng, tương ứng mức giảm 27% so với đỉnh chỉ trong vài phiên giao dịch.

Hay như trường hợp của cổ đông PV Power khi giá cổ phiếu POW ì ạch mãi chưa thể bứt phá, cùng với đó luôn nằm trong danh sách bán ròng của khối ngoại. 

Nhà đầu tư sai ở đâu?

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên thị trường chứng kiến nghịch lý nhà đầu tư khóc ròng giữa “đỉnh vinh quang” của chỉ số.

Theo một thống kê trước đó, khi Vn-Index giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm trong suốt tháng 4/2021 đã có không ít cổ phiếu từ nhóm vốn hóa lớn như NVL, EIB, HPG, VPB, LPB, VIB đến các mã nhóm vốn hóa vừa và nhỏ như NKG, DHC, HAX liên tục thiết lập đỉnh giá mới.

Tuy nhiên, thống kê biến động giá của 396 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) trong tháng 4/2021 cho thấy, có đến 235 mã giảm giá, chiếm 59,3%. Vậy đâu là vấn đề của những nhà đầu tư?

Theo chia sẻ của một đại diện quỹ đầu tư nước ngoài, có khá nhiều nhà đầu tư F0 đang đầu tư vào thị trường theo “hệ tâm linh” khi có chiều hướng mua một cổ phiếu nào đó dựa vào "tư vấn" của đội, nhóm, thậm chí là môi giới yếu nghề.

Cũng theo vị đại diện này, một trong những lý do khiến các nhà đầu tư thua lỗ là sự thiếu kiên nhẫn. Mua cổ phiếu tầm 1-2 tuần mà chưa thấy nhúc nhích là nản lòng, bán vội mua cổ phiếu khác. Hoặc thấy cổ phiếu giảm giá tầm 5-10%, cộng thêm hàng loạt “tin đồn” thiếu tích cực là ngay lập tức hoảng loạn bán ra cổ phiếu bất chấp giá trị của cổ phiếu.

Theo nhận định của vị đại diện này, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn tốt do nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng trở lại sau đại dịch Covid-19 và thị trường chứng khoán sẽ được "hưởng lợi" từ đó kéo giá cổ phiếu sẽ tăng theo.

Theo đó, có thể thấy Vn-Index hiện đang trong chu kỳ tăng trong cả ngắn hạn lẫn trung và dài hạn. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng sẽ hưởng lợi khi kinh tế phát triển và tăng trưởng mạnh, có nhiều công ty sẽ bị ảnh hưởng và phải chờ thời gian dài mới có thể phục hồi.

Điều này dẫn đến việc sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu sẽ ngày càng rõ nét. Cổ phiếu thu hút được dòng tiền phải là doanh nghiệp trong nhóm ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng hoặc có câu chuyện riêng hấp dẫn.