Nghiêm khắc chấn chỉnh thị trường để lấy lại ý nghĩa cốt lõi của bảo hiểm

Tuấn Thủy

Công khai đường dây nóng giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan bảo hiểm nhân thọ, đồng thời cơ quan có thẩm quyền phải xử lý nghiêm những trường hợp cố tình làm sai để trục lợi nhằm chấn chỉnh thị trường, trả lại cho thị trường bảo hiểm ý nghĩa nhân văn đích thực, theo luật sư Dương Thị Ngọc - Giám đốc Công ty Luật PST.

Luật sư Dương Thị Ngọc - Giám đốc Công ty luật PST.
Luật sư Dương Thị Ngọc - Giám đốc Công ty luật PST.

Phóng viên: Ý nghĩa nhân văn của việc mua bảo hiểm là gì, thưa luật sư?

Luật sư Dương Thị Ngọc: Ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng là tinh thần chia sẻ khó khăn, thiệt hại khi gặp hoạn nạn giữa những người tham gia bảo hiểm. Trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Việc mua bảo hiểm còn có ý nghĩa trong việc tích luỹ, giúp người tham gia bảo hiểm yên tâm về nguồn tài chính dự phòng cho tương lai.

Phóng viên: Lợi ích của bảo hiểm là rất rõ ràng, nhưng gần đây có một số người mua bảo hiểm tố nhân viên tư vấn “gài bẫy”, khiến hình ảnh bảo hiểm trở nên méo mó. Luật sư có nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Dương Thị Ngọc: Câu chuyện “bẫy” bảo hiểm đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm, chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng (bancassurance). 

Vấn đề “bẫy” bảo hiểm thường phát sinh từ việc nhân viên tư vấn bảo hiểm giới thiệu những sản phẩm bảo hiểm không trung thực, không đúng nhu cầu của khách hàng, truyền đạt thông tin thiếu chính xác, tư vấn sai nội dung hợp đồng bảo hiểm với mục đích để bán được bảo hiểm.

Hành vi này có thể gây ra những thiệt  hại cho khách hàng mua bảo hiểm nếu không có nhu cầu thực sự, hoặc chưa đủ khả năng tài chính để tham gia hợp đồng bảo hiểm có thời gian kéo dài (10 đến 15 năm hoặc hơn).

Tuy nhiên, đây chỉ là một số trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, không phản ánh đúng bản chất của bảo hiểm. Những “con sâu” này, có thể nói, chính là phép thử cho ngành Bảo hiểm. Qua đó, nhận thức của người dân về bảo hiểm sẽ được chú trọng tuyên truyền, doanh nghiệp bảo hiểm muốn tồn tại phải củng cố uy tín, hoạt động minh bạch hơn để chinh phục được niềm tin của khách hàng.

Phóng viên: Bà có lời khuyên gì dành cho người tham gia bảo hiểm nhằm hạn chế cao nhất tình trạng như thời gian vừa qua, thưa bà?

Luật sư Dương Thị Ngọc: Thời gian tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường kéo dài, vì vậy trước khi ký kết hợp đồng, khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng, đặc biệt các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm.

Bên cạnh quyền lợi bảo hiểm còn có quy định doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong một số trường hợp… Khi thấy điều khoản nào của hợp đồng quá khó hiểu, khách hàng có quyền yêu cầu nhân viên bán bảo hiểm giải thích hoặc mang hợp đồng tới luật sư đề nghị hỗ trợ tư vấn.

Ngoài ra, đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên một năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, người mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm, khi người mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.  

Phóng viên: Theo luật sư, cần làm gì để lấy lại niềm tin của người dân, khôi phục thị trường bảo hiểm?

Luật sư Dương Thị Ngọc: Nâng cao chất lượng tư vấn của nhân viên tư vấn là một trong những cách các doanh nghiệp bảo hiểm lấy lại niềm tin của khách hàng. Nhân viên tư vấn bảo hiểm phải được đào tạo chuẩn mực kỹ năng tư vấn, cung cấp thông tin trung thực về sản phẩm bảo hiểm, tư vấn những sản phẩm bảo hiểm phù hợp nguyện vọng và khả năng tài chính của khách hàng.

Việc công khai đường dây nóng, hòm thư điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm để khách hàng phản ánh những vấn đề còn băn khoăn về sản phẩm bảo hiểm, nội dung hợp đồng bảo hiểm cũng như kỹ năng, thái độ làm việc của tư vấn viên… sẽ giúp cho khách hàng có niềm tin đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, vững tâm khi ký kết hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, thiết lập bộ phận chăm sóc khách hàng, tương tác với khách hàng để kịp thời giải đáp thắc mắc về những thông tin trái chiều liên quan đến “bẫy” bảo hiểm được đưa tin trên các phương tiện truyền thông thời gian qua.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm những thông tin gây nhiễu loạn thị trường, những trường hợp cố ý xuyên tạc, thông tin sai lệch về các giá trị của bảo hiểm nhân thọ, trái với quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ trong việc đẩy mạnh tuyên truyền tích cực về bảo hiểm nhân thọ, góp phần tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng.

Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư!