Nghiêm trị sai phạm trong kinh doanh xăng dầu

Theo thoibaonganhang.vn

Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, có mức phạt tiền từ 60 đến 100 triệu đồng đối với hành vi thực hiện cách pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để trục lợi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Để ngăn chặn cũng như có biện pháp mạnh nhằm răn đe các sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, thay thế Nghị định 97/2013/NĐ-CP.

Theo các quy định của pháp luật, đại lý bán lẻ xăng dầu được cấp phép kinh doanh, trong Giấy chứng nhận đăng ký DN có đăng ký kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì phải đáp ứng đủ các tiêu chí: địa điểm phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thuộc sở hữu, đồng sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định.

Ngoài ra, cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải được thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị theo đúng các quy định hiện hành về quy chuẩn, tiêu chuẩn, an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu hoạt động đúng, lành mạnh thì thời gian qua không ít cơ sở có hành vi buôn bán xăng dầu trái phép, gắn chíp điện tử làm sai lệch chỉ số thực để “rút hầu bao” của khách hàng. Nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu làm ăn bát nháo, có hành vi gian lận đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt hành chính.

Và để siết chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh này, Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, có mức phạt tiền từ 60 đến 100 triệu đồng đối với hành vi thực hiện cách pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để trục lợi.

Nghị định này cũng đưa ra mức phạt từ 40 đến 60 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh xăng dầu khi không có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hoặc giấy chứng nhận đã hết thời hạn hiệu lực, hoặc giấy chứng nhận đã bị tước, bị thu hồi; cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn giấy chứng nhận.

Trong khi đó, đối với hành vi kinh doanh xăng dầu khi không có giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu trong trường hợp có từ 2 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trở lên hoặc giấy xác nhận đã hết thời hạn hiệu lực hoặc giấy xác nhận đã bị tước, bị thu hồi thì bị phạt từ 60 - 80 triệu đồng.