Không chỉ là cửa ngõ quan trọng...

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Italy diễn ra sáng 28/11, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam không chỉ là cửa ngõ quan trọng ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN) mà còn giữ vị trí chiến lược đặc biệt với nhiều tiềm năng để đầu tư và phát triển kinh doanh.

Đại diện hai nước ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Nguồn: Internet
Đại diện hai nước ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Nguồn: Internet

Phát triển những lĩnh vực mới

Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Italy Ivan Scalfarotto cho biết, 8 tháng năm 2017 kim ngạch thương mại trao đổi giữa hai nước đạt 2,9 tỷ euro. Trong khối EU, Italy đứng thứ 4 về trao đổi thương mại và đứng thứ 2 về xuất khẩu sang Việt Nam.

Trước đây, Italy chủ yếu cung cấp thiết bị và công nghệ cho ngành dệt may, da giày, thực phẩm chế biến và bao bì, nhựa hoặc vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, tới Việt Nam lần này, ông Ivan Scalfarotto cho biết, Italy muốn mở rộng sang cung cấp thiết bị công nghệ tiên tiến, tự động hóa, với giá cả cạnh tranh và năng suất cao; tập trung vào các ngành phát triển bền vững như cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo.

Tháng 7 vừa qua, Italy đã cung cấp công nghệ và tài chính thiết lập và khánh thành Trung tâm ứng dụng công nghệ da giày ở Bình Dương. Với kinh nghiệm và nền tảng công nghệ cao, Italy có thể đồng hành với doanh nghiệp Việt Nam hợp tác theo tinh thần đôi bên cùng có lợi, ông Ivan nói.

Về quan hệ đầu tư, tính đến tháng 9 năm nay, Italy đứng thứ 31 trong tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 82 dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, mặc dù có nhiều cơ hội hợp tác nhưng sự phát triển quan hệ Việt - Italy chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều lĩnh vực hai bên vẫn chưa kết nối và hợp tác hiệu quả.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng một Chính phủ kiến tạo - hành động - phục vụ, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách kinh tế, đặc biệt trên 3 phương diện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng, để đáp ứng ngày càng cao đầu tư trong nước và nước ngoài, hướng đến môi trường kinh doanh bình đẳng và hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý dần hoàn thiện cùng với những Hiệp định thương mại tự do là cơ sở để tận dụng và xây dựng hiện thực hóa tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Đôi bên cùng có lợi

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, Việt Nam đang sở hữu môi trường chính sách hết sức thuận lợi để các doanh nghiệp tăng cường hợp tác với nhau. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng các chính sách ưu đãi đầu tư. 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với 55 đối tác, trong đó có 15 đối tác thuộc nhóm G20, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bùi Huy Sơn cho biết, nỗ lực cải cách hành chính của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư đó là ban hành cơ chế bảo hộ đối với các nhà đầu tư trên thế giới, cho phép giải quyết tranh chấp của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Ông Sơn nhấn mạnh: “Khi hợp tác với Italy, chúng ta sẽ làm những việc cũ theo hướng hoàn toàn mới, giúp các ngành công nghiệp đạt giá trị cao hơn”.

Phó Chủ tịch phụ trách các thị trường quốc tế của Liên đoàn Công nghiệp Licia Mattioli cho rằng, Việt Nam phải có những bước đi quyết định mang tính chất chiến lược bằng việc hướng vào lĩnh vực công nghệ cao.

Bà tin rằng Italy sẽ hỗ trợ Việt Nam tạo ra bước thay đổi lớn, đặc biệt trước cuộc cách mạng 4.0. Lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vận tải, năng lượng sạch, công nghiệp xanh được xem là cơ hội hợp tác tiềm năng giữa hai nước bởi Italy có nhiều kinh nghiệm.

Các cơ quan chức năng của Italy cần giới thiệu nhiều hơn nữa tiềm năng của thị trường Việt Nam tới các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng cần đẩy mạnh quá trình tự do hóa thương mại giữa khu vực công và tư, vì đây là nền tảng quan trọng để các nhà đầu tư Italy đến Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, Ủy ban hỗn hợp hai nước về hợp tác kinh tế phải nghiên cứu cơ chế mạnh mẽ hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp buôn bán kinh doanh và đầu tư hiệu quả.

Trong quá trình hoạt động, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì nhiệm vụ của Ủy ban hỗn hợp là phải đồng hành với doanh nghiệp, phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.