Nâng cao chất lượng tín dụng hỗ trợ giảm nghèo

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 9 kỳ 2-2015

Tín dụng chính sách là công cụ điều tiết của Nhà nước nhằm kích thích nền kinh tế cũng như thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển của một nhóm đối tượng được chính sách hướng tới. Muốn giảm nghèo bền vững cần triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình hình triển khai tín dụng chính sách

Thời gian qua, hệ thống chính sách tín dụng không ngừng được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, đặc biệt là người nghèo tiếp cận được tới nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, nâng cao điều kiện sống. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả cụ thể mà chương trình tín dụng chính sách đạt được gồm:

Một là, đã thành lập Ngân hàng Chính sách Xã hội. Năm 1995, Chính phủ đã thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo để đáp ứng nhu cầu về vốn cho các đối tượng người nghèo. Tháng 10/2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 131/2002/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Chính sách Xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo để cho vay các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tách hoạt động tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại. Đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các chương trình tín dụng được thực hiện cho hộ nghèo vay vốn mà không phải thế chấp tài sản với thủ tục đơn giản, thuận lợi với thời gian ngắn nhất.

Hai là, tập trung huy động các nguồn lực tài chính trong xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách Xã hội tính đến hết năm 2015 là gần 140 nghìn tỷ đồng.

Ba là, vốn tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến nay, đã có trên 25,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng doanh số cho vay trên 285 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng đã góp phần giúp trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động...

Bốn là, những ưu việt riêng có từ mô hình tín dụng chính sách của Việt Nam. Mô hình cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội dựa trên mối quan hệ chặt chẽ giữa ngân hàng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Ngân hàng Chính sách Xã hội cho người nghèo trực tiếp vay vốn thông qua sự giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên từ Trung ương cho tới địa phương. Những tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội này đã gắn bó với người dân thông qua các tổ tiết kiệm, tổ vay vốn…

Bên cạnh kết quả trên, công tác triển khai tín dụng chính sách vẫn còn một số tồn tại và thách thức cụ thể như:

(i) Về nguồn vốn, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn cấp từ Trung ương nên khó chủ động được nguồn vốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

(ii) Kết quả giảm nghèo tuy nhanh nhưng chưa bền vững. Có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn trên 50%, cá biệt có xã còn trên 90%. Điều đáng lo ngại là cứ trên 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo và phát sinh người nghèo mới. Nguyên nhân là do nhiều hộ nghèo không biết sử dụng nguồn vốn vay để làm gì?

(iii) Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội chưa làm tốt công tác hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo cách làm ăn và sự phối hợp giữa vốn vay với khuyến nông, khuyến lâm. Đặc biệt, việc xác nhận cho các đối tượng vay vốn, nhiều địa phương triển khai khác nhau, có nơi thì quá chặt, ngược lại có nơi thì lỏng lẻo, khiến cho hiệu quả sử dụng vốn của người nghèo chưa cao.

(iv) Công tác tuyên truyền tuy đã được đẩy mạnh nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Do vậy, vẫn còn một bộ phận hộ nghèo chưa hiểu và chấp hành tốt quy định trong vay trả.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách

Để hạn chế những tồn tại trên, đặc biệt là giúp các hộ gia đình, người nghèo thoát nghèo bền vững, cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách. Đồng thời, huy động được các nguồn lực tài chính trong xã hội để thực hiện nhiều hơn nữa các chương trình tín dụng ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Quan trọng là phải huy động được các nguồn lực từ tư nhân. Ngân sách nhà nước chỉ nên coi là bước đệm để sau đó ngân hàng hay các doanh nghiệp xã hội triển khai hội hóa nguồn vốn tín dụng cho vay.

Hai là, phải biến tín dụng chính sách thành sản xuất hàng hóa, có như vậy mới khắc phục được tình trạng hộ nghèo vay vốn không biết để làm gì. Thực tế, hiện nay những người nông dân nghèo không chỉ cần vốn vay, họ còn cần thêm các chính sách dạy nghề gắn với hỗ trợ sản xuất. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn và tạo cơ hội việc làm cho người nghèo. Có như vậy, người nghèo mới thật sự thoát nghèo một cách bền vững.

Ba là, cần tăng thêm dư nợ tín dụng cho người nghèo, đồng thời, mở rộng đối tượng được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Khi đó, cần phải sửa đổi và bổ sung các đối tượng và phương thức tiếp cận vốn tín dụng chính sách trong các chương trình giảm nghèo trong thời gian tới. Về đối tượng vay vốn, cần phải rà soát lại các đối tượng để tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá tiếp tục hỗ trợ thiết thực các đối tượng chính sách, trước hết là hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở… Mở rộng các chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, để họ không rơi xuống ngưỡng nghèo đói và cũng là động lực để các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Khi đó, cần hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp tín dụng ưu đãi đối với họ.

Bốn là, giải ngân tín dụng chính sách phải gắn với quy hoạch sản xuất của địa phương, dựa trên thế mạnh của địa phương. Giảm dần các chính sách hỗ trợ không hoàn lại, thay vào đó gắn với điều kiện và có quy định thời gian hoàn trả. Ngoài ra, quá trình xây dựng chính sách cũng cần có sự phối hợp, lồng ghép có hiệu quả với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng hiệu quả của từng địa phương tới hộ gia đình nghèo nhằm giúp hộ nghèo nhanh chóng vươn lên thoát nghèo.

Năm là, nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác thống kê, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo để tạo điều kiện cho các đối tượng này kịp thời vay vốn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách. Thực hiện nghiêm túc công tác bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ từ thôn, bản. Việc xác nhận đối tượng phải được Ban giảm nghèo các xã, phường thị trấn xét duyệt chặt chẽ. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành đối với tín dụng chính sách… cũng cần được tăng cường.

Sáu là, cần thay đổi chính ý thức của người nghèo, để họ có ý thức tự tôn, tự vươn lên thoát nghèo, tránh tâm lý ỷ lại hoàn toàn vào nhà nước. Cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để mọi người dân đều nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của Ngân hàng chính sách Xã hội về tín dụng ưu đãi. Thông tin tuyên truyền cần phải chính xác, cụ thể, dễ hiểu để tạo nhận thức đúng đắn cho những đối tượng được hoặc không được hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo.