Chính sách tín dụng cho hộ mới thoát nghèo
Ngày 21/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg (Quyết định 28) quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), được áp dụng từ ngày 5/9/2015, để giúp các hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Hộ mới thoát nghèo, theo Quyết định 28, là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hàng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm.
Quyết định cũng nêu rõ, mức cho vay do NHCSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay cùng loại phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ. Thời hạn cho vay tùy thuộc vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 5 năm. Lãi suất cho vay áp dụng đối với hộ mới thoát nghèo bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Về gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, theo Quyết định 28, đối với các khoản nợ của hộ mới thoát nghèo được thực hiện như đối với hộ nghèo theo quy định tại Nghị địnhsố 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo rà soát của NHCSXH, trong số 700 nghìn hộ thoát nghèo thì có khoảng trên 500 nghìn hộ đang có dư nợ vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo và chương trình cho vay hộ cận nghèo; chỉ còn khoảng 200 nghìn hộ thoát nghèo chưa được vay vốn hoặc đã trả hết nợ nhưng hiện chưa được vay vốn của NHCSXH để sản xuất, kinh doanh. Do đó, Quyết định 28 sẽ giúp hộ mới thoát nghèo tiếp tục được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi tại NHCSXH để thoát nghèo bền vững.
Đánh giá về chủ trương này, bà Hoàng Thị Hạnh - Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết, đây là một giải pháp sáng tạo, phù hợp và là một trong những động lực chính góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo cả nước. Thực tế cho thấy, việc đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng đã giúp không ít gia đình có thêm thu nhập, giảm bớt khó khăn và vươn lên thoát nghèo. Điển hình là chị Hà Thị Hậu (ở xóm Tam Hòa, xã Tân Sơn, huyện Mai Châu, Hoà Bình), nhờ được vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện và sự tận tình tư vấn của Hội Phụ nữ xã, chị Hậu đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc. “Từ khởi nghiệp với chuồng lợn nhỏ vài ba con, hiện gia đình chị Hậu có 5 con lợn nái và 20 con lợn thịt, bình quân xuất bán 3 lứa/năm. Ngoài ra, vợ chồng chị Hậu còn thu mua nông sản bán cho các thương lái, tăng thêm thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng” - bà Hạnh cho biết. Qua đó, chị Hậu đã sửa sang được nhà cửa và thoát nghèo bền vững.
Dù vậy, song tình trạng nghèo, tái nghèo vẫn diễn ra, đặc biệt là ở vùng dân tộc miền núi, chỉ cần một trận lũ là có thể tái nghèo. Chính vì vậy, Quyết định 28 được ban hành sẽ khắc phục tình trạng này; đồng thời được kỳ vọng sẽ giúp đồng bào vùng dân tộc miền núi có thêm xung lực mới để không chỉ thoát nghèo mà còn hướng tới thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Theo số liệu thống kê của NHCSXH, sau 12 năm hoạt động, tổng nguồn vốn của ngân hàng này đến nay đạt hơn 141 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ đạt trên 136 nghìn tỷ đồng. Hiện đã có trên 25 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn NHCSXH, trong đó hơn 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; vốn chính sách đã thu hút, tạo việc làm mới cho khoảng 11,8 triệu lao động; giúp hơn 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng được 6,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số; 700 chòi tránh lũ, hơn 102 ngôi nhà vượt lũ ở duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.