Pháp luật tài chính doanh nghiệp so sánh giữa Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Doanh nghiệp 2005

PGS.,TS. Lê Thị Thanh - Ths.Đỗ Ngọc Thanh - Học viện Tài chính

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Các quan hệ tài chính phát sinh trong quá trình thành lập, hoạt động, tổ chức lại hoặc giải thể doanh nghiệp được pháp luật điều chỉnh, trong đó, Luật Doanh nghiệp là nguồn luật chủ yếu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Nếu căn cứ vào hình thức pháp lý của doanh nghiệp, doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay bao gồm: (i) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, (ii) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, (iii) Công ty cổ phần, (iv) Công ty hợp danh, (v) Doanh nghiệp tư nhân.

Dưới góc độ tài chính doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2014 đã kế thừa đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005, tạo cơ sở pháp lý phù hợp hơn cho quá trình tạo lập, quản lý, sử dụng các quỹ tiền tệ, đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng về mặt pháp lý giữa các doanh nghiệp, tạo cơ chế pháp lý để các doanh nghiệp thực sự có quyền tự chủ, tự định đoạt, đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan.

So với Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 khi điều chỉnh quan hệ tài chính doanh nghiệp có những sửa đổi, bổ sung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, quy định thống nhất và cụ thể hơn về tài sản và thời hạn góp vốn
Về tài sản góp vốn, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rõ các loại tài sản góp vốn “Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn” (Điều 35).

Về thời hạn góp vốn: Đối với doanh nghiệp gắn với chế độ trách nhiệm hữu hạn về tài sản trong kinh doanh (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần) Luật Doanh nghiệp 2014 quy định thời hạn góp vốn (tối đa) của chủ sở hữu vào công ty là không quá 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trước ngày 1/7/2015 (trước thời điểm Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực), thời hạn góp vốn tối đa của chủ sở hữu vào công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ được quy định trong văn bản dưới luật (Nghị định số 102/CP ngày 1/10/2010 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp 2005) và thời hạn này là không quá 36 tháng kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên. Trong khi đó, đối với công ty cổ phần, mặc dù thường có quy mô lớn hơn, cơ cấu tổ chức phức tạp hơn nhưng các cổ đông công ty cũng chỉ có tối đa 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thanh toán hết số cổ phần đã đăng ký mua.

Như vậy, với việc thống nhất quy định về thời hạn góp vốn của chủ sở hữu với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần ngay trong Luật Doanh nghiệp 2014, không những khắc phục được quy định bất bình đẳng trước kia giữa các nhà đầu tư mà còn nâng cao giá trị pháp lý của các quy phạm pháp luật (trước kia chỉ được quy định tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật (Luật Doanh nghiệp 2005 không quy định thời hạn này).

Thứ hai, quy định rõ hơn về phạm vi quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người góp vốn và của doanh nghiệp trong quá trình góp vốn và quá trình kinh doanh
So với Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rõ và phù hợp hơn về phạm vi trách nhiệm tài sản, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: Chủ sở hữu phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn như đã cam kết; trường hợp không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Tuy nhiên, Luật này không quy định nghĩa vụ đăng ký thay đổi vốn điều lệ của công ty khi chủ sở hữu không góp đủ số vốn cam kết.

Mặt khác, Luật Doanh nghiệp 2005 không cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được giảm vốn điều lệ nên công ty cũng không có quyền đăng ký giảm vốn điều lệ trong trường hợp nêu trên. Từ quy định này mà trên thực tế có trường hợp chủ sở hữu không góp đủ vốn đã cam kết nhưng không được đăng ký giảm vốn điều lệ, vì vậy, trong kinh doanh vốn chủ sở hữu luôn nhỏ hơn vốn điều lệ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ, khách hàng.

Khắc phục tình trạng trên, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Nếu không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2014 còn quy định: “Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ”. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm và xác định phạm vi trách nhiệm vô hạn về tài sản của chủ sở hữu do việc không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ như đã đăng ký hoặc đã đăng ký thay đổi.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thông báo bằng văn bản tiến độ góp vốn đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn và phải chịu trách nhiệm cá nhân về các thiệt hại cho công ty và người khác do thông báo chậm trễ hoặc thông báo không chính xác, không trung thực, không đầy đủ.

Trường hợp có thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với công ty; thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Sau thời hạn cam kết lần cuối mà vẫn có thành viên chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được xử lý theo một trong các cách sau đây:

- Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp;
- Huy động người khác cùng góp vốn vào công ty;
- Các thành viên còn lại góp đủ số vốn chưa góp theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty.

Về vấn đề này, Luật Doanh nghiệp 2014 đã sửa đổi: Trong thời hạn cam kết góp vốn thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp. Sau thời hạn quy định mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định.

Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.

Đối với công ty cổ phần: Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: Cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp phải thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cuối cùng các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải thông báo kết quả góp vốn cổ phần đã đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
Về vấn đề này, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Trong thời hạn từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến ngày cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, số phiếu biểu quyết của các cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông đã được đăng ký mua, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Nếu sau thời hạn góp vốn vẫn có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì thực hiện theo quy định sau đây:
- Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
- Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
- Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.
Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.
Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn quy định. Thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định.
Thứ ba, quy định bình đẳng hơn về việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ của công ty
So với Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định chuẩn xác hơn về vốn điều lệ của doanh nghiệp và quy định bình đẳng hơn về việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần (Khoản 29, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014).

Theo Luật Doanh nghiệp 2005, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong quá trình hoạt động đều được tăng vốn điều lệ. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần có thể được điều chỉnh giảm vốn điều lệ, nhưng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được giảm vốn điều lệ trong quá trình kinh doanh.

Quy định này đã tạo nên sự bất bình đẳng về mặt pháp lý cho các công ty vì cùng hoạt động trong một môi trường kinh doanh như nhau nhưng các công ty khác có thể giảm vốn điều lệ để thu hẹp quy mô kinh doanh khi thương trường có những diễn biến bất lợi hoặc do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác, nhưng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lại không có được quyền này. Mặt khác, trên thực tế nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giảm vốn điều lệ nhưng không được đăng ký giảm, do vậy, vốn điều lệ thực có với vốn đăng ký ghi trong điều lệ không trùng khớp (tình trạng vốn “ảo”) là khá phổ biến.

Khắc phục bất cập trên, Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định các công ty trách nhiệm hữu hạn (một thành viên và hai thành viên trở lên), công ty cổ phần đều được đăng ký tăng hoặc giảm vốn điều lệ. Các doanh nghiệp chỉ được giảm vốn điều lệ khi đủ các điều kiện hoặc trong trường hợp do pháp luật quy định.
Ngoài những quy định nêu trên, Luật Doanh nghiệp 2014 còn có nhiều điều chỉnh khác về tài chính doanh nghiệp phù hợp hơn so với Luật Doanh nghiệp 2005, đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, vẫn còn một số quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 chưa minh bạch, thiếu thực tế, cần được tiếp tục nghiên cứu để có những điều chỉnh phù hợp hơn.
Với những thay đổi cụ thể, xác thực về nhiều khía cạnh, trong đó có những quy định về tài chính doanh nghiệp như trên, hy vọng Luật Doanh nghiệp 2014 sẽ tạo ra môi trường pháp lý phù hợp để các doanh nghiệp phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.