Nghiên cứu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường

Trần Huyền

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Một trong những nội dung được Bộ Tài chính đề xuất trong dự án Luật lần này là bổ sung áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế

Tại dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất chính sách mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường... hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua. Tỷ lệ thừa cân đối với người trưởng thành ở Việt Nam (trên 18 tuổi) ở cả hai giới đã tăng 68% trong giai đoạn 2002-2016.

Theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong. Theo đó, giảm đồ uống có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp, là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phổ biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cho thấy tổn thất rất lớn về kinh tế - xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra.

WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Năm 2012, chỉ có khoảng 15 quốc gia thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhưng đến năm 2021, có ít nhất 50 quốc gia thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này. Trong ASEAN, có 06/10 nước đã thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường.

Việc thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường cũng nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quyết định số 02/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/01/2022 phê duyệt Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 155/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/01/2022 phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025.

Định hướng tiêu dùng đồ uống đại mạch, nước giải khát không cồn

Đối với thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, theo Bộ Tài chính, trên thực tế đã xuất hiện việc nhập khẩu sản phẩm thức uống không có cồn được sản xuất theo quy trình sản xuất và nguyên liệu sản xuất tương tự như mặt hàng bia. Sản phẩm không có cồn nên không được xác định là bia theo quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; sản phẩm đáp ứng TCVN 12828:2019 về nước giải khát nên doanh nghiệp công bố tên gọi và tiêu chuẩn sản phẩm là thức uống đại mạch. Do vậy, không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB theo Luật thuế TTĐB hiện hành.

Hiện nay, một số nước như Thái Lan, Ấn Độ đang nghiên cứu tiến hành áp thuế TTĐB với loại bia có nồng độ cồn 0 trong khoảng từ 14% đến 22%. Tại Oman, bia có nồng độ cồn 0 chịu thuế TTĐB 50% kể từ ngày 01/10/2020 sau khi quốc gia này có các chính sách mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB đối với các sản phẩm đồ uống có mạch nha và bia không cồn.

Sản phẩm thức uống đại mạch có quy trình sản xuất và nguyên liệu giống mặt hàng bia, hình thức bề ngoài của sản phẩm giống bia, vẫn có mùi vị đặc trưng như bia, chỉ khác tên gọi, giá bán xấp xỉ như nhau nên có thể coi là sản phẩm tương tự bia không cồn. Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải quy định rõ để định hướng tiêu dùng đối với mặt hàng này.

Nhiều quốc gia thu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá điện tử

Bộ Tài chính cho biết, trên thị trường hiện nay đã xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha sử dụng toàn bộ, một phần hoặc không sử dụng nguyên liệu từ cây thuốc lá... mặc dù các sản phẩm này đều chưa được phép nhập khẩu và kinh doanh tại Việt Nam.

Theo WHO, Bộ Y tế và các tổ chức bảo vệ sức khỏe, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha đều có chứa các thành phần độc hại gây hại cho người hút trực tiếp và người xung quanh như thuốc lá truyền thống. Hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa là hình thức tiêu thụ thuốc lá.

Do vậy, căn cứ Điều 6 Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC), WHO đã khuyến nghị các quốc gia cấm thuốc lá điện tử hoặc phải có biện pháp kiểm soát thuốc lá điện tử, hạn chế thuốc lá nung nóng và shisha. Trường hợp có biện pháp kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha thì khuyến nghị áp dụng chính sách thuế như đối với mặt hàng thuốc lá thông thường để đảm bảo tăng giá bán và giảm nhu cầu sử dụng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo Bộ Tài chính, đối với thuốc lá điện tử, có 71 quốc gia thu thuế TTĐB đối với thuốc lá điện tử. Trong đó, 23 nước áp dụng thuế tuyệt đối, 07 nước áp dụng thuế theo tỷ lệ phần trăm, còn lại là các nước áp dụng thuế hỗn hợp cả tuyệt đối và phần trăm theo các tỷ lệ giống nhau. Nhìn chung, các nước này áp thuế đối với thuốc lá điện tử ở mức ngang bằng với thuốc lá truyền thống. Đối với thuốc lá nung nóng, có 61 quốc gia thu thuế TTĐB đối với thuốc lá làm nóng ở mức ngang bằng với thuốc lá truyền thống.

Ngoài các mặt hàng trên, Bộ Tài chính cho biết, trò chơi điện tử trên mạng (game online) là một loại hình giải trí gắn liền với sự phát triển của internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và giữa người chơi với máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, máy chơi game, các thiết bị di động. Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng.

Các chính sách được đề xuất nêu trên nhằm mục tiêu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân; thực hiện các khuyến nghị của WHO và các tổ chức bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các đề xuất này cũng nhằm định hướng nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng một số hàng hóa, dịch vụ và mở rộng cơ sở thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế.