Cần rạch ròi trách nhiệm của cơ quan thuế, doanh nghiệp trong hoàn thuế giá trị gia tăng
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), cần quy định rạch ròi về trách nhiệm của cơ quan thuế và trách nhiệm của doanh nghiệp, đảm bảo "người làm gian dối phải chịu trách nhiệm".
Nghiên cứu thêm quy định chống thất thu thuế
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ đánh giá, Dự thảo Luật đã tập trung vào 05 nội dung lớn gắn với Chiến lược cải cách hệ thống thuế gồm: Đối tượng chịu thuế, thuế suất, giá tính thuế, khấu trừ thuế đầu vào, hoàn thuế.
Mặc dù chỉ có 4 chương 18 điều - tương đối ngắn so với các luật khác, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi gồm nhiều nội dung rất chuyên sâu, khó, phức tạp, cần nhiều thời gian để nghiên cứu.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo liên quan đến danh mục các hàng hoá chịu thuế được điều chỉnh, đại biểu cho hay, dự thảo Luật quy định quà biếu, tặng không thuộc thuộc đối tượng chịu thuế. Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định hàng hoá loại này qua chuyển phát nhanh dưới 1 triệu đồng nằm ngoài đối tượng chịu thuế.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay, giao dịch nhỏ lẻ dưới 1 triệu đồng có giao dịch với số lượng vô cùng lớn. Cho rằng "tích tiểu thành đại", đại biểu đề nghị cân nhắc thêm quy định để có nguồn thu từ các giao dịch này, nhất là các giao dịch qua biên giới như Trung Quốc, Thái Lan…
Liên quan đến nội dung đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất phân bón nước ta đã cơ bản tự chủ nguồn cung phân bón trong nước. Do đó, nếu không đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT, doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào sẽ thiệt hại hơn 1000 tỷ đồng/năm của doanh nghiệp.
Đại biểu cho rằng, thêm phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT sẽ mang lại hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong nước mạnh lên sẽ tìm cách giảm giá thành đầu ra, tăng hiệu quả kinh doanh, từ đó đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước.
Tham gia ý kiến về đối tương nộp thuế, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ cho hay, với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), kinh tế số như hiện nay, cần bổ sung làm rõ hơn NNT là tổ chức, cá nhân bán hàng từ xa (nước ngoài) vào Việt Nam thông qua các sàn TMĐT hoặc cung cấp dịch vụ (số hóa) thông qua Intenet cho người mua tại Việt Nam, đảm bảo cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc thu thuế.
Đại biểu cũng đề xuất bổ sung vào phần thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa (thông qua các sàn TMĐT), cung ứng dịch vụ (số hóa) từ nước ngoài cho các đối tượng tiêu dùng tại Việt Nam theo hướng áp dụng mức thuế suất thuế GTGT như đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu để đảm bảo đối xử công bằng với hàng hóa, dịch vụ trong nước, góp phần duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu.
"Người làm gian dối phải chịu trách nhiệm"
Thảo luận về việc giải quyết hoàn thuế GTGT, đại biểu Đào Chí Nghĩa nêu tình trạng có nhiều doanh nghiệp cố tình thành lập doanh nghiệp “ma” cả trong và ngoài nước nhằm hợp thức hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Trong khi đó, thời gian hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo quy định là 6 ngày; kiểm tra trước, hoàn thuế sau là 40 ngày, nên cơ quan thuế không đủ thời gian và thẩm quyền để điều tra xác minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Vì vậy, để đảm bảo việc giải quyết hoàn thuế được kịp thời, tăng cường hậu kiểm sau hoàn thuế GTGT, đại biểu đề nghị dự thảo Luật thể hiện rõ hơn quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT theo hướng cơ quan thuế chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT; Người nộp thuế chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT và vi phạm (nếu có) của người nộp thuế liên quan đến số tiền đề nghị hoàn thuế khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra phát hiện hành vi vi phạm.
Tại phiên họp tổ, chia sẻ thêm về chính sách thuế đối với phân bón, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nếu không đưa mặt hàng này đưa vào đối tượng chịu thuế GTGT thì doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ gặp khó khăn vì không được hoàn thuế, nhưng đưa vào thì tác động đến giá. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu cần nghiên cứu kỹ trên cơ sở lợi ích đất nước, đảm bảo nông nghiệp phát triển bền vững để đóng góp thêm ý kiến.
Về chính sách thuế đối với hàng hoá giá trị nhỏ, Bộ trưởng thông tin, hiện nay, một số quốc gia như EU đã bỏ quy định miễn thuế GTGT với lô hàng từ 22 Euro trở xuống, Anh bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng hoá nhập khẩu có giá trị 135 bảng Anh trở xuống. Hay như Thái Lan thực hiện thu thuế GTGT 7% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu, không phân biệt.
Liên quan đến quy định về hoàn thuế GTGT, vấn đề chịu trách nhiệm của cán bộ thuế và hành vi của doanh nghiệp, Bộ trưởng nêu rõ, trách nhiệm của cơ quan thuế hay doanh nghiệp cũng cần rạch ròi, theo nguyên tắc "ai sai người đó chịu trách nhiệm", không thể để xảy ra tình trạng doanh nghiệp làm sai nhưng công chức thuế chịu trách nhiệm, bên cạnh đó cũng nên để cơ quan thuế có quyền điều tra xác minh để làm rõ trách nhiệm.
Bộ trưởng phân tích, dựa trên hồ sơ hoàn thuế nhưng nếu doanh nghiệp đưa hoá đơn giả vào, cơ quan thuế không thể tìm ra được nguồn gốc trong thời gian rất ngắn. Theo quy định, hoàn thuế trước kiểm tra sau chỉ có 6 ngày hay hoàn sau kiểm tra trước là 40 ngày phải hoàn thuế. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, cần phải quy định rõ trách nhiệm trong vấn đề này, làm rõ chức năng nhiệm vụ, phạm vi công tác, giới hạn trách nhiệm để đảm bảo rạch ròi, "người làm gian dối phải chịu trách nhiệm".
Trao đổi về quy định thuế GTGT với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng, theo Bộ trưởng, quy định này nếu sau 5 năm hay 10 năm nữa với mức trượt giá ví dụ như 5% thì sẽ lạc hậu. Bộ trưởng nêu vấn đề, nên giao việc quy định này phân quyền cho Chính phủ và vẫn có cơ quan giám sát. Nếu Chính phủ được phân quyền, khi cần điều chỉnh, Chính phủ sẽ nhanh chóng ban hành các quy định phù hợp với từng giai đoạn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thuế là công cụ điều tiết, các nước phát triển dùng công cụ thuế một cách linh hoạt, gần như uỷ quyền cho Tổng thống, đại diện là Bộ Tài chính. Khi hàng hoá nhập khẩu vào gây ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước, các nước sẽ áp dụng ngay mức thuế mới chỉ trong thời gian rất ngắn. Do đó, "nếu chúng ta phân cấp phân quyền và có giám sát thì công cụ thuế sẽ được điều tiết một cách linh hoạt, hiệu quả hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh.