Nghiên cứu tăng mức phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường, phòng cháy, chữa cháy
Vừa qua, chính phủ đã giao Bộ Tư pháp rà soát, nghiên cứu để quy định tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Theo Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 15/4/2025 của Chính phủ về xây dựng pháp luật tháng 4/2025, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình số 46/TTr-BTP ngày 10/4/2025.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm dự thảo Luật chỉ quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ quy định về những nội dung cụ thể, chi tiết, chuyên ngành; chỉ tập trung và ưu tiên sửa đổi những vấn đề cấp bách, liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đồng thời, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật. Trong đó, cần rà soát, nghiên cứu để quy định tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, phòng cháy chữa cháy… bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, Chính phủ thống nhất với dự thảo Luật quy định theo hướng: Dự kiến bổ sung quy định cho phép xử lý kịp thời tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện, nhằm tránh gây hư hỏng, lãng phí tài sản; bảo đảm quyền, lợi ích của các bên liên quan, tránh gây lãng phí xã hội.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật.
Trên cơ sở tiếp thu, hoàn hiện dự án Luật, giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, trình Quốc hội.
Trước đó, liên quan đến hướng hoàn thiện dự thảo Luật trong bối cảnh sắp xếp bộ máy cả ở trung ương và địa phương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, tổ chức bộ máy sẽ có nhiều thay đổi như không còn cấp huyện, công an huyện, đặc biệt là những thay đổi của hệ thống cơ quan thanh tra. Do đó, nếu chúng ta không cấp thiết sửa đổi, sẽ có khoảng trống pháp lý rất lớn trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, gây ảnh hưởng rất lớn đến trật tự quản lý hành chính trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước.
“Trước hết, những nội dung, những điều liên quan đến tổ chức bộ máy, thì chắc chắn Bộ Tư pháp sẽ phải nghiên cứu điều chỉnh. Nếu không cấp thiết sửa đổi, sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến quyền công dân. Vấn đề quan trọng đặt ra là Luật phải xử lý được yêu cầu quản lý, sắp xếp tổ chức bộ máy, cũng như xử lý được những vướng mắc, khó khăn lớn mà đã rõ về phương án xử lý”, bà Oanh khẳng định.
Dẫn chứng về việc ủy quyền cho Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và địa phương quy định một số nội dung cụ thể, bà Oanh chia sẻ: Nếu dự Luật không quy định ủy quyền, thì sẽ không tháo gỡ được vướng mắc như thực tiễn vừa qua, chưa tính đến các luật với nội dung mới được ban hành rất nhiều, đương nhiên kéo theo việc xuất hiện các hành vi mới, các thẩm quyền xử phạt mới.
Theo đó, các nội dung mà Bộ Tư pháp đề nghị ủy quyền cho Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và địa phương gồm: Quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính, việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả…/.