Các FTA thế hệ mới tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020

Theo Lưu Hiệp/cand.vn

Việt Nam tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đã có hiệu lực. Việt Nam đã chủ động hơn trong việc tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định ngoài khuôn khổ của thành viên ASEAN như trước đây. Mức độ cam kết trong các hiệp định cũng ngày càng sâu rộng hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao nhất trong số các FTA trước đây của Việt Nam, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm 2019, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các Hiệp định FTA đem lại, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong các Hiệp định FTA tính đết hết tháng 11 năm 2019 đạt khoảng 39%% (khoảng 37% nếu tính cả Hiệp định CPTPP) so với tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định FTA  trong đó, có một số thị trường mới trong CPTPP (như sang Canada, Mexico) có mức tăng trưởng tốt ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực và năm 2019 với cán cân thương mại nghiêng về xuất khẩu tới 10 tỷ USD - vượt chỉ tiêu kế hoạch, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt hơn 500 tỷ USD và là năm thứ 4 liên tiếp có xuất siêu kể từ năm 2016 đã đánh dấu mốc quan trọng trong hoạt động thương mại của Việt Nam, đồng thời tạo đà cho hoạt động xuất khẩu (XK) phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong năm 2019, tỷ trọng XK dệt may vào các thị trường trong khối CPTPP như Australia, Canada, New Zealand… đã gia tăng đáng kể. Trước đây khi chưa có CPTPP, hàng dệt may Việt Nam muốn vào các thị trường này rất khó bởi không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong năm 2019, hàng loạt nhà mua đã sang Việt Nam, đặt những đơn hàng cụ thể. Không chỉ vậy, hiện nay cũng đã bắt đầu có sự chuyển dịch đầu tư từ các nước vào ngành dệt may Việt Nam. Với riêng thị trường Nhật Bản, do Việt Nam và Nhật Bản đã có FTA, khi có thêm CPTPP càng làm gia tăng thêm động lực XK. Đặc biệt, với Hiệp định EVFTA doanh nghiệp rất mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng khi Hiệp định chính thức được ký kết. 

Trên thực tế, từ các FTA này hàng hóa XK có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nhiều nhà cung cấp khác nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ. Hàng Việt đã vững bước tiến sâu hơn vào các thị trường mà Việt Nam có FTA, dần khẳng định vị thế của mình.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc ký kết EVFTA sẽ giúp nâng cao đáng kể vị thế của Việt Nam. Đối với XK, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, các nghiên cứu đánh giá tác động của EVFTA và CPTPP đến kinh tế Việt Nam gần đây đều cho thấy việc thực thi hai FTA này sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại thông qua các cam kết cắt giảm thuế quan và mở rộng thị trường, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và tăng cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực, việc tham gia và thực thi các cam kết của EVFTA và CPTPP cũng sẽ đặt kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức. Những thách thức lớn nhất xuất phát từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam như hạn chế về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước; hệ thống các chính sách pháp luật còn thiếu, yếu và chồng chéo cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực hiện các cam kết; hạn chế trong hiểu biết và nhận thức của các doanh nghiệp và cộng đồng; các thách thức ngành.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn DN và người dân nhận diện cơ hội và thách thức của CPTPP, EVFTA và các FTA mà Việt Nam đã và sẽ chuẩn bị ký kết, tham gia.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, để tận dụng cơ hội mà các FTA đem lại, những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước là chưa đủ, sự chủ động từ phía DN đóng vai trò vô cùng quan trọng.