Chính sách kinh tế vĩ mô và tư duy chiến lược của nhà quản trị

Xuân Lan (Đại biểu Nhân dân)

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa phục hồi, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những biến động khôn lường, trong đó, có những xu thế mà chúng ta có thể nhìn thấy. Xu thế sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho sản phẩm và dịch vụ mới, biến đổi tương lai của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang nỗ lực để giải quyết những vướng mắc về tài chính, tiền tệ và điều hành giá cả để đạt mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Anh minh họa
Anh minh họa

Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn, trong năm 2012 này lạm phát sẽ rơi vào khoảng 7,5%, đây cũng sẽ là tiền đề để chúng ta có thể giữ vững mức lạm phát ở mức 6,5 - 7% vào năm sau. Nếu điều hành giá cả theo nguyên tắc thị trường tốt, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán năm 2013 ổn định giá thì đến năm 2015 có thể đưa lạm phát xuống mức 6%. Mặt khác, chúng ta cần kiên quyết ổn định tỷ giá để tạo điều kiện cho người dân gửi ngoại tệ vào ngân hàng, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu không bị rủi ro do bất ổn tỷ giá. Trong thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đưa dần lãi suất cho vay về 8%/năm để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhẹ qua các quý năm 2012 này. Bằng chứng là trong 6 tháng năm 2007, chúng ta thu hút được khoảng 8 tỷ USD vào nền kinh tế để tăng dự trữ, nhưng ngược lại phải bơm một lượng tiền rất lớn ra thị trường, tạo ra áp lực cho năm 2008 và 2009. Nhưng năm nay cũng với lượng tiền khoảng 10 tỷ USD thu hút, nhưng không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, cụ thể không làm tăng giá hàng tiêu dùng và một số yếu tố vĩ mô khác. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc là chúng ta đã rút ra những bài học trong điều hành kinh tế vĩ mô. Chỉ số CPI của chúng ta được giữ và giảm lại dần và đảm bảo được tăng trưởng thật và đời sống của người dân được củng cố. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện tốt mặc dù rất khó khăn trong việc đảm bảo thu ngân sách.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, năm 2013 cần xác định nút thắt để tác động vào nhằm có tác dụng lan tỏa đối với nền kinh tế của thế giới và Việt Nam, phải giải quyết được mối liên hệ giữa các tổ chức tín dụng, đáp ứng nguồn vốn cho doanh nghiệp, tạo mối liên hệ gắn kết cộng sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng, không thể ngân hàng nợ xấu rất lớn nhưng đòi hỏi doanh nghiệp có kết quả tài chính đẹp mới cho vay tiếp vì doanh nghiệp xấu cũng do chính sách nới lỏng tín dụng mà ra.

Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, trong cuộc khủng hoảng của nền kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng tốt hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt là Việt nam vẫn mở rộng được thị trường xuất khẩu nhanh hơn cả Trung Quốc - một nước mạnh về xuất khẩu và vẫn duy trì được ở nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Anh…

Chia sẻ với những nhà quản lý, điều hành và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và giới doanh nhân Việt Nam trong quản trị, Chủ tịch tổ chức quốc tế về Nghiên cứu và Tư vấn xu thế toàn cầu Globalchange Ts Patrick Dixon cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là những người lãnh đạo sẽ phải làm gì và làm thế nào để nắm bắt xu thế toàn cầu, nhìn thấy trước những lợi thế trong hội nhập kinh tế quốc tế và có năng lực thu hút một cách đáng kể các dự án công nghiệp tại Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển của thị trường nội địa, như trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản hay lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhất là dịch vụ và ngành công nghệ cao một cách hiệu quả.

Theo nhiều chuyên gia, về chính sách tài chính, do cơ chế tự động chính sách tài khóa sẽ trở nên mở rộng hơn trong bối cảnh nguồn thu bị thu hẹp và chi ngân sách vẫn không thay đổi do dự toán đã được duyệt. Vì vậy, chính sách tài khóa trong giai đoạn tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ thu chi và đảm bảo thâm hụt ngân sách nằm trong phạm vi được kiểm soát. Các cấp ngành hữu quan cần theo dõi sát hiệu quả của gói hỗ trợ sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ - CP của Chính phủ và các Nghị quyết của QH nhằm đề xuất những giải pháp bổ sung trong trường hợp cần thiết.

Về chính sách tiền tệ, vấn đề trọng tâm là phải tiếp tục hạ được lãi suất, khai thông dòng vốn cho sản xuất và tiêu dùng. Lạm phát đang hạ là tiền đề khá thuận lợi để hạ lãi suất. Việc tín dụng tăng chậm hiện nay cũng là tiền đề thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước loại bỏ các biện pháp điều hành lãi suất theo mệnh lệnh hành chính, tiến tới tự do hóa lãi suất và tập trung vào các biện pháp kiểm soát cung tiền theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, cũng cần phải có các biện pháp lành mạnh hóa tình hình tài chính trong khu vực ngân hàng, thúc đẩy quá trình cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng nhằm đảm bảo một mức lãi suất phù hợp nhất đổi với nền kinh tế trong từng thời kỳ.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đứng trước những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững trong các năm đầu của thế kỷ XXI, những dự báo và kiến nghị chính xác sẽ giúp Nhà nước đưa ra các quyết định, chính sách phát triển kinh tế giai đoạn 2013 – 2015. Đồng thời giới hoạch định chính sách và doanh nhân tiếp cận với tri thức quản trị hiện đại, tiếp nhận những bí quyết để thích ứng với sự bất ổn của nền kinh tế, tạo đà cho một sự phục hồi mạnh mẽ trong tương lai.