Công khai điều hành giá để tạo đồng thuận và giám sát từ công luận

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Đánh giá về công tác quản lý, bình ổn giá 6 tháng đầu năm 2014, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, công tác chỉ đạo điều hành giá đã bước đầu đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Chính phủ.

Giá các hàng hóa thiết yếu phải điều chỉnh theo lộ trình, tránh trùng một thời điểm. Ảnh Internet.
Giá các hàng hóa thiết yếu phải điều chỉnh theo lộ trình, tránh trùng một thời điểm. Ảnh Internet.
Bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát

Theo Cục Quản lý giá, 6 tháng đầu năm là thời gian có Tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014 và các hoạt động lễ hội diễn ra sau Tết, thị trường hàng hóa dịch vụ dịp Tết thường sôi động, cung cầu dễ mất cân đối khiến giá cả tăng. Tuy nhiên, nhờ tăng cường các biện pháp quản lý, bình ổn giá và chủ động làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, nên nguồn cung hàng hóa, dịch vụ được bảo đảm nhất là nguồn cung lương thực, thực phẩm, giao thông công cộng, hàng hóa thiết yếu.

Đây là yếu tố quan trọng góp phần bình ổn thị trường, giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô trong các tháng đầu năm 2014. Đặc biệt, thời gian cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, không có địa phương xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Chỉ số giá 2 tháng đầu năm tăng thấp (tháng 1 tăng 0,69%, tháng 2 tăng 0,55%) so với mức tăng cùng kỳ nhiều năm trước.

Chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 1,38% so với tháng 12-2013, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 14 năm trở lại đây kể từ năm 2002, tạo thuận lợi cho điều hành chính sách vĩ mô, thực hiện mục tiêu CPI năm 2014 ở mức 7% như Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra. Đồng thời, góp phần tiếp tục từng bước thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: Điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, nước sạch, giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh...

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo Cục Quản lý giá việc quản lý điều hành giá còn gặp một số khó khăn. Đó là, lực lượng cán bộ làm công tác giá tại các địa phương còn rất mỏng, phần lớn chưa được bồi dưỡng (nhất là các quận, huyện) kiến thức chuyên ngành về giá, thẩm định giá nên cũng khó khăn trong quá trình triển khai; nhất là khi có những đợt cao điểm như việc triển khai các giải pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi cần đáp ứng yêu cầu về thời gian và nhân lực.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra giá, quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai quyết liệt, nhưng hiệu quả vẫn hạn chế; vẫn còn hiện tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; công tác kê khai giá, đăng ký giá chưa gắn với kê khai và đăng ký thuế nên một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy định về đăng ký giá, kê khai giá.

6 nhiệm vụ trọng tâm cuối năm

Cục Quản lý giá nhận định, từ nay đến cuối năm 2014 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2013; tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi còn phức tạp và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, nước, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...).

Trên cơ sở đó, 6 nhóm giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá 6 tháng cuối năm 2014 đã được Cục Quản lý giá tiếp tục chú trọng. Đó là: Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Giá, các Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá và các Thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan; Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý giá cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả biện pháp bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, trước mắt là đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, sẽ giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ được trợ cước, trợ giá; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...

Đối với giá một số hàng hóa thiết yếu, tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành giá than bán cho sản xuất điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận.

Ngoài ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát như chính sách tài khoá chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt; điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công; tăng cường quản lý thị trường, hoàn thiện hệ thống lưu thông phân phối theo hướng giảm bớt các tầng nấc trung gian... cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cơ quan quản lý giá triển khai thực hiện những tháng cuối năm.