Hệ số tín nhiệm Việt Nam lên mức “BB”-Triển vọng ổn định

Bùi Dương

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch chính thức nâng hạng hệ số tín nhiệm của Việt Nam lên mức “BB” Triển vọng Ổn định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những tác động tích cực tới việc nâng hạng hệ số tín nhiệm

Lý giải cho việc nâng hạng tín nhiệm trên, Fitch lý giải, những chính sách quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã cải thiện và khẳng định quan điểm của Chính phủ Việt Nam trong việc tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng thể năm 2017, tăng trưởng GDP tăng lên 6,8% từ 6,2% năm 2016, do sự phát triển mạnh mẽ từ lĩnh vực sản xuất theo định hướng xuất khẩu và tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.

Fitch tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cao nhất so với các nước đồng hạng.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2017 đã tăng lên 49 tỷ USD, được hỗ trợ bởi dòng vốn lớn và thặng dư tài khoản vãng lai. Sự cải thiện đã được tạo điều kiện thuận lợi bằng việc áp dụng cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt của Chính phủ Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã duy trì cam kết của mình trong công tác đảm bảo an toàn nợ công và tái cơ cấu lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước. Nợ công của Việt Nam (Nợ Chính phủ bao gồm cả Nợ được Chính phủ bảo lãnh) đã giảm xuống 61,4% GDP vào cuối năm 2017 so với 63,6% vào cuối năm 2016, đảm bảo mức trần 65% GDP.

Các khuyến nghị về rủi ro kinh tế vĩ mô

Bên cạnh những nhận định tích cực đối với tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam năm 2017, Fitch cũng đưa ra những nhận định về rủi ro kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Cụ thể, đối với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam và các chỉ số phát triển con người so với các nước đồng hạng “BB” vẫn còn yếu hơn.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, Fitch cho rằng cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng còn yếu, các khoản nợ xấu và kết quả về chất lượng tài sản vẫn còn chưa được xử lý triệt để. Nhu cầu tái cấp vốn của ngành ngân hàng vẫn là một rủi ro. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng vẫn còn tồn động những điểm yếu như bộ đệm vốn mỏng và lợi nhuận thấp. Khi hệ thống tập trung vào việc cải thiện hiệu quả kinh tế để hỗ trợ giải quyết nợ xấu, tăng trưởng tín dụng cao có thể tạo rủi ro cho ổn định tài chính trong trung hạn.

Các chỉ số bền vững nợ nước ngoài vẫn tiếp tục được đảm bảo, tỷ lệ các khoản vay ưu đãi cao so với tổng nợ nước ngoài là một thế mạnh của tài chính đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, với việc tăng thu nhập bình quân đầu người, năm 2017 là năm cuối cùng Việt Nam được nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới và các khoản vay ưu đãi ADF của Ngân hàng Phát triển Châu Á. Việc Chính phủ tập trung vào việc tăng tỷ lệ huy động vốn vay trong nước để chuẩn bị cho việc giảm tiếp cận các khoản vay ưu đãi sẽ khiến chi phí huy động cao hơn trước đây.