Hoàn thiện xây dựng pháp luật kinh tế trong bối cảnh Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế


Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện quá trình xây dựng chính sách luật pháp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Qua việc đánh giá lại những điểm nổi bật trong công tác xây dựng pháp luật kinh tế trong thời gian qua, tác giả đưa ra một số đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật kinh tế trong tình hình mới khi đất nước đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Một số kết quả về xây dựng pháp luật kinh tế

Nhìn lại hoạt động xây dựng pháp luật kinh tế của nước ta sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, có thể thấy những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực này như sau:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế đã được xây dựng tương đối đồng bộ, cơ bản phù hợp với cơ chế thị trường và đáp ứng được ở mức độ nhất định yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII tại Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) đã khẳng định: “Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Đã ban hành và triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013. Theo đó, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) được xác định cụ thể hơn, từng bước thực thi có hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong xã hội”.

Thứ hai, đã hình thành một hệ thống pháp luật kinh tế tương đối đầy đủ để điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ thực tiễn hoạt động của nền kinh tế. Cụ thể, đã ghi nhận đầy đủ các loại chủ thể tham gia quan hệ thị trường, bao gồm doanh nghiệp (DN) tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh và hợp tác xã với tư cách là những chủ thể chủ yếu đang hoạt động trong nền kinh tế thị trường.

Các loại chủ thể này được quy định chủ yếu trong Luật DN (2014) và Luật Hợp tác xã (2012). Bên cạnh đó, điều chỉnh các quan hệ hàng hóa - tiền tệ (quan hệ hợp đồng) phát sinh trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện và tự chịu trách nhiệm (pháp luật về hợp đồng), trong đó, việc điều chỉnh các quan hệ thị trường thuộc về Bộ luật Dân sự (1995 và 2005).

Các quan hệ thị trường phát sinh trong các lĩnh vực kinh doanh chuyên ngành cũng đã được các luật chuyên ngành quy định một cách cụ thể như Luật Các tổ chức tín dụng (2010), Luật Kinh doanh bất động sản (2014), Luật Kinh doanh bảo hiểm (2014), Luật Xây dựng (2014), Luật Nhà ở (2014)…

Việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đã được quan tâm, thể hiện ở việc ban hành Bộ luật Tố tụng Dân sự (2004), tạo cơ sở pháp lý để tòa án giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể kinh doanh và Luật Trọng tài thương mại giúp trọng tài thương mại (tổ chức phi nhà nước) thực hiện chức năng giải quyết tranh chấp thương mại trên cơ sở những nguyên tắc có nhiều điểm khác biệt với Tòa án để đáp ứng nhu cầu được tự do lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh của DN.

Thứ ba, pháp luật kinh tế đã tạo ra mặt bằng pháp lý chung cho các loại hình DN, đảm bảo sự bình đẳng về pháp lý trong kinh doanh của các DN thuộc các thành phần kinh tế, giữa DN trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài đã được Nhà nước cụ thể hóa bằng việc ban hành Luật Đầu tư năm 2014, Luật DN năm 2014 áp dụng chung cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Với việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, các loại hình DN, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng ngày càng hiệu quả các nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội. Vai trò kinh tế ngoài nhà nước (không kể đầu tư nước ngoài) ngày càng được phát huy, đóng góp 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội và 48,3% GDP…

Thứ tư, tính công khai, minh bạch và dân chủ trong quá trình xây dựng luật pháp ngày càng được cải thiện và thực thi hiệu quả, nhận được sự đồng tình đánh giá cao của người dân và cộng đồng DN. Cơ chế xây dựng pháp luật ngày càng dân chủ, công khai, tạo cơ hội và thu hút sự tham gia thảo luận, đóng góp của các tầng lớp nhân dân, DN. Các dự thảo luận trước khi ban hành đều được lấy ý kiến rộng rãi của người dân, các hiệp hội nghề nghiệp, cơ quan ban ngành.

Các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương ban hành đã được đăng tải thường xuyên trong Công báo của Trung ương và địa phương cũng như trên cổng, trang thông tin điện tử. Các luật về thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý và thủ tục tố tụng đã được ban hành và thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, tạo cơ sở cho sự phát triển của hệ thống tài phán ở nước ta…

Thứ năm, hiện nay, Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện nhiều quy định luật pháp quốc tế cũng như hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật phù hợp với cam kết hội nhập. Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã hội nhập ở các cấp độ và hình thức khác nhau như tham gia các thỏa thuận thương mại ưu đãi, các hiệp định thương mại tự do, các liên minh thuế quan, tham gia thị trường chung và tham gia liên minh kinh tế, tiền tệ...

Việc ký kết nhiều, hiệp định song phương và đa phương về thương mại, đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, đặc biệt là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đã tạo cơ sở pháp lý và tiền đề, điều kiện quan trọng về thể chế để nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế quốc tế; để pháp luật trong nước phù hợp và tương thích với pháp luật quốc tế; đồng thời, đảm bảo tính quốc tế của sự phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam.

Qua đó cho thấy, sự nỗ lực của các bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước… trong việc chủ động hoàn thiện, sửa đổi bổ sung trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi và ban hành nhiều văn bản pháp luật phù hợp với xu thế hội nhập và cam kết quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu, pháp luật kinh tế đạt được trong 30 năm qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác thể chế hóa và ban hành chính sách, pháp luật cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng nói chung và cụ thể hóa, hướng dẫn thực thi pháp luật kinh tế nói riêng vẫn còn chậm; Thể chế kinh tế thị trường chưa thật đồng bộ, thông suốt; Chất lượng hệ thống chính sách và pháp luật kinh tế chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước pháp quyền…

Đề xuất, kiến nghị

Theo các chuyên gia kinh tế, yêu cầu tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và đổi mới, phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã đặt ra những vấn đề lý luận và thực tiễn cần giải quyết trong quá trình hoàn thiện pháp luật kinh tế. Thời gian tới, nhằm hoàn thiện xây dựng pháp luật kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa quan điểm về định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường vào thể chế, chính sách pháp luật nhà nước. Cùng với đó, giải quyết hài hòa giữa vai trò điều tiết của Nhà nước trong đảm bảo tính định hướng XHCN với sự vận động theo quy luật kinh tế khách quan của thị trường.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; Có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; Các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; Sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Thứ hai, tiếp tục cải cách và đổi mới thể chế để tạo động lực phát triển, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, cần thúc đẩy những yếu tố có khả năng tạo ra giá trị gia tăng lớn của sản xuất như: Sáng tạo, tri thức, khoa học và công nghệ, quản lý tiên tiến…

Việc cải cách thể chế pháp lý đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị quốc gia, cũng như năng lực cạnh tranh của DN nhà nước với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác, giữa DN trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài, giữa DN trong nước với DN nước ngoài; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và năng lực tạo dựng thể chế để bảo đảm cho DN, người dân tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường…

Thứ ba, khẩn trương khắc phục những yếu điểm trong công tác xây dựng pháp luật kinh tế tồn tại trong nhiều năm qua như: Ban hành hướng dẫn thi hành pháp luật kinh tế vẫn còn chậm; Hạn chế tình trạng sửa đổi, bổ sung luật quá nhiều lần hoặc một nội dung mà quá nhiều luật điều chỉnh, khiến DN khó nắm bắt và áp dụng; Nâng cao chất lượng ban hành chính sách pháp luật kinh tế đáp ứng được yêu cầu quản lý của Nhà nước pháp quyền…

Thứ tư, nâng cao vai trò của Nhà nước trong điều hành chính sách vĩ mô và phối hợp giải quyết các vấn đề quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, để đảm bảo đổi mới thành công, cần phải có một Nhà nước mạnh, được tổ chức hợp lý, thực hành dân chủ, có khả năng huy động và quản lý mọi nguồn lực.

Nước ta hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn của yêu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; Khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường; Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo công bằng xã hội. Do vậy, cùng với việc tăng cường ban hành luật, cần phải tiếp tục xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tinh thông về nghiệp vụ để bảo đảm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác dự báo, nghiên cứu lý luận phục vụ việc xây dựng và hoạch định chính sách và pháp luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Hạn chế tình trạng nhiều quy định trong hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành chưa tuân thủ đầy đủ quy luật của kinh tế thị trường, nhất là trong phân bổ nguồn lực, quản lý giá hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu và chưa bảo đảm cạnh tranh bình đẳng…  

Thứ sáu, trong hoạt động xây dựng pháp luật, đặc biệt là pháp luật kinh tế, cần nghiên cứu, tiếp thu các quy định trong pháp luật của các nước, vì những vấn đề mà Việt Nam đang tiếp cận đã từng được cộng đồng quốc tế nghiên cứu, giải quyết bằng pháp luật một cách thỏa đáng và khoa học. Việc tiếp thu các quy định này một mặt giúp chúng ta không tốn thời gian và công sức, mặt khác góp phần làm cho pháp luật Việt Nam trở nên tương thích hơn với pháp luật của các nước trên thế giới.

Thứ bảy, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Thông qua việc tập huấn, đào tạo lại hoặc mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế để gửi đi đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 97;
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020);
  3. Nguyễn Đức Minh, Thực trạng xây dựng pháp luật kinh tế và những vấn đề đặt ra trong quá trình hoàn thiện;
  4. Dương Đăng Huệ (2017), Tiếp tục hoàn thiện pháp luật kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta;
  5. Đào Hồng Minh, Một số vấn đề lý luận về xây dựng pháp luật và quản lý nhà nước đối với công tác xây dựng pháp luật, Trang Thông tin điện tử xây dựng pháp luật.