Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về quyền con người gắn với nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế

Minh Lê

Những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện và thúc đẩy quyền con người đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận. Cùng với việc tham gia tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, Việt Nam luôn nỗ lực nhằm biến các cam kết về quyền con người thành những hành động thực tế.

Triển khai tổng thể những biện pháp về thực hiện quyền con người 

Quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Ðảng, Nhà nước ta tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các Nghị quyết Ðại hội XI và XII của Ðảng đã được quán triệt sâu sắc, tạo chuyển biến nhận thức quan trọng, tích cực trong cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác nhân quyền trong tình hình mới.

Thể chế hóa đường lối của Ðảng, hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ, thực thi quyền con người và ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền con người. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có 36 điều, đã bổ sung, điều chỉnh thêm nhiều nội dung quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của các chủ thể có liên quan đến việc thực thi quyền con người ở Việt Nam, đồng thời bao quát khá đầy đủ các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá trong Bộ luật nhân quyền quốc tế. 

Hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, khẳng định nhân dân là trung tâm của mọi hoạt động của Nhà nước, bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đối mới. Nhà nước đã thông qua nhiều chương trình quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội lớn nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng các quyền con người của mọi người dân Việt Nam. Quốc hội đã thông qua hơn 300 luật, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và nhìn chung tương thích với những nguyên tắc, quy định của Luật Nhân quyền quốc tế như Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, các chương trình dành cho các đối tượng dễ bị tổn thương như Chương trình 134, Chương trình 30a…

Song song với các nỗ lực bảo đảm quyền con người với các chủ trương, chính sách trong nước, Đảng và Nhà nước ta chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và xây dựng, vì mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Việt Nam là thành viên của hầu hết các công ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người. Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến xây dựng và đệ trình báo cáo quốc gia về việc thực thi các công ước quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã soạn thảo và đệ trình các báo cáo quốc gia lên các Ủy ban công ước, cụ thể: hai lần nộp báo cáo Công ước về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (1992, 2014), bốn lần nộp báo cáo Công ước về Quyền Trẻ em (1992, 2000, 2009, 2012) …

Những thành công đạt được trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ghi dấu ấn đối với bạn bè quốc tế. Mặc dù nền kinh tế còn khó khăn nhưng bảo đảm an sinh xã hội vẫn được Việt Nam duy trì, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực: Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam giảm mạnh và liên tục (Từ 58,1% năm 1993 xuống 28,9% năm 2002; 14,2% năm 2010, 8,4% năm 2014).

Bên cạnh đó, thành công về bảo vệ quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền các nhóm xã hội dễ bị tổn thương…được Ủy ban theo dõi thực hiện Công ước và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việc Việt Nam hoàn thành hầu hết Các Mục tiêu Thiên niên kỷ được coi là tấm gương điển hình quốc tế. 

Việt Nam chủ động tham gia vào vào nhiều lĩnh vực hợp tác về quyền con người trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương cũng như trong quan hệ song phương. Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có các cơ quan nhân quyền thuộc Liên hợp quốc như Hội đồng Kinh tế - Xã hội nhiệm kỳ 1998-2000, Ủy ban nhân quyền nhiệm kỳ 2001-2003…

Đặc biệt, với những thành tựu đã đạt được và uy tín trong lĩnh vực quyền con người, ngày 12/11/2013 với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.  

Sự nghiêm túc và có trách nhiệm của Việt Nam được thể hiện trong việc tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân quyền. Việt Nam đã đóng góp vào quá trình xây dựng nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân quyền theo hướng ủng hộ cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, đáp ứng quan tâm, lợi ích của các bên, hướng tới đồng thuận. 

Việt Nam lần đầu thực hiện cơ chế UPR vào tháng 5/2009 và chấp nhận 96/123 khuyến nghị. Tại phiên UPR lần thứ hai vào tháng 2/2014, Việt Nam chấp nhận 182/227 khuyến nghị. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị. Nhiều bộ, ngành cũng đề ra các kế hoạch riêng về thực hiện khuyến nghị. Đến nay, Việt Nam là đồng tác giả của hơn 30 nghị quyết về các nội dung bảo đảm quyền con người (như bảo đảm quyền người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, chống buôn bán người…) góp phần nâng cao nhận thức chung của thế giới về các giá trị quyền con người. 

Với các hoạt động phong phú, tích cực như trên, nhiều quốc gia trên thế giới đã dành thiện cảm và ghi nhận Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, cùng các nước xử lý thách thức chung của nhân loại trong lĩnh vực quyền con người. 

Biến cam kết thành hành động thực chất 

Cùng với việc tham gia tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, Việt Nam luôn nỗ lực nhằm biến các cam kết về quyền con người thành những hành động thực tế.

Mới đây, Đoàn Việt Nam đã tham gia cuộc họp Ủy ban 3 về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa của Đại hội đồng Liên hợp quốc với đề mục thảo luận về “thúc đẩy và bảo đảm quyền con người” diễn ra trong hai tuần từ ngày 15 đến 29/10/2018. Trong cuộc họp năm 2018 của chương trình làm việc khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc này, Ủy ban 3 đã nghe báo cáo và đối thoại với Cao ủy Nhân quyền, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền, Chủ tịch các Ủy ban Công ước cùng hơn 50 thủ tục của Hội đồng Nhân quyền về nhiều chủ đề như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, lao động di cư, các quyền dân sự-chính trị, các quyền kinh tế-văn hóa-xã hội, quyền phát triển…

Đại diện các nước tiếp tục khẳng định cam kết và kêu gọi tăng cường nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh năm 2018 kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và 25 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna. Trong đó, đề cao tầm quan trọng và giá trị phổ quát của 2 văn kiện này và nhấn mạnh ý nghĩa thiết yếu của việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người đối với mục tiêu duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển.

Dù ghi nhận những tiến bộ và thành tựu vượt bậc, song các nước cũng chia sẻ quan ngại về nhiều mục tiêu chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí thụt lùi. Điển hình như tình trạng nạn đói có xu hướng tăng trở lại, bạo lực phụ nữ, trẻ em, kỳ thị, phân biệt đối xử, kích động hận thù, kèm theo đó là nhiều thách thức tiếp tục gia tăng đe dọa đến cuộc sống của người dân như xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng bố... 

Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tham dự và phát biểu tại nhiều phiên đối thoại, cho rằng các quốc gia cần tăng cường đoàn kết, chung tay hợp tác để tìm ra những giải pháp chung, cần duy trì vai trò của các diễn đàn Liên hợp quốc trong thúc đẩy đối thoại xây dựng và hợp tác thiện chí, thay vì đối đầu, áp đặt và chỉ trích. Đại diện Việt Nam cũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm đầy đủ các quyền con người phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đồng thời chia sẻ những nỗ lực và thành tựu Việt Nam đã đạt được trong y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo...

Bên cạnh việc không ngừng đảm bảo các quyền công dân về bầu cử, ứng cử, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận…, Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao về đảm bảo tăng trưởng kinh tế ngày càng gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Một trong những thành tựu kinh tế gắn liền với thành tựu bảm đảm quyền con người của Việt Nam được ghi nhận là xóa đói giảm nghèo.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đã giảm được một nửa tỷ lệ đói nghèo trong hơn một thập kỷ và là một trong những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất. Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam hiện đang rất chú trọng ứng phó với những thách thức mới nảy sinh nhằm đảm bảo quyền con người.

Là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm giới thiệu Nghị quyết hàng năm về Biến đổi khí hậu và nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền, tổ chức các cuộc tọa đàm quốc tế liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương và gợi mở những vấn đề mới, thiết thực đối với người dân… Đại diện Việt Nam nhấn mạnh luôn coi trọng hợp tác và đối thoại về nhân quyền trên bình diện song phương, khu vực cũng như quốc tế. Mọi cam kết quốc tế về nhân quyền đều được Việt Nam tuân thủ nghiêm, biến những cam kết quốc tế thành hành động thực tiễn để đảm bảo quyền con người.