ADB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam từ 7,1 % xuống 6,9%

PV. (Tổng hợp)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra những cập nhật mới nhất về kinh tế Việt Nam. Tính từ bản báo cáo chính hồi tháng 4, phía ADB vẫn giữ nguyên quan điểm về tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam song trước những thách thức trong và ngoài nước, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2018 xuống mức 6.9%.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam công bố báo cáo mới nhất về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam vào sáng nay (26/9). Ảnh internet
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam công bố báo cáo mới nhất về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam vào sáng nay (26/9). Ảnh internet
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB cho biết: "Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2018, mặc dù có những thách thức trong và ngoài nước có thể tác động đến triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau".
ADB cho biết, sản xuất công nghiệp trong sáu tháng đầu năm 2018 tăng 9,3%, cao hơn nhiều so với mức 5,4% của cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13% do sự tăng trưởng ấn tượng của các ngành xuất khẩu như viễn thông, điện tử hay dệt may.
Tăng trưởng mạnh của công nghiệp chế biến chế tạo bù đắp mức tăng trưởng chậm lại của ngành xây dựng, từ 8,5% nửa đầu năm ngoái xuống còn 7.9% trong năm nay do tác động của các biện pháp hạn chế cho vay của ngân hàng đối với bất động sản.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng ADB - ông Nguyễn Minh Cường, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng du khách quốc tế, lĩnh vực dịch vụ đã tăng gần 7,0% trong nửa đầu năm nay, tương đương tốc độ tăng 6 tháng đầu năm ngoái. Với số lượt khách du lịch tăng 27,2% trong sáu tháng đầu năm nay, các ngành khách sạn và nhà hàng, giao thông vận tải và thông tin liên lạc, bán buôn và bán lẻ đều tiếp tục tăng trưởng vững chắc.

Sự tăng trưởng này được ông nhấn mạnh là đạt được trên tất cả các lĩnh vực với động lực là ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rộng, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định, tiêu dùng trong nước được duy trì tốt, và đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Theo dự báo của chuyên gia, nền kinh tế nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu nội địa được duy trì, điều kiện kinh doanh được cải thiện, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng chi tiêu công trong nửa cuối năm nay được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong đầu tư.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dễ ảnh hưởng bởi những thách thức trong và ngoài nước. Tăng trưởng giảm nhẹ ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc do chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến tổng cầu thương mại thế giới.

Do vậy, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,9% cho năm 2018, thấp hơn so với mức 7,1% được dự báo trong tháng 4/2018. Dù vậy, mức dự báo của ADB vẫn cao hơn 0,1 điểm % so với World Bank. Trước đó, World Bank cũng dự báo lại tăng trưởng Việt Nam, lạc quan hơn một chút khi điều chỉnh từ mức 6,5% lên 6,8%.