Thêm động lực để kinh tế tư nhân phát triển

ThS. Bùi Đức Nam - Đại học Sư phạm Hà Nội

Quan niệm kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế” tại Đại hội XII thể hiện bước đột phá về nhận thức của Đảng ta so với giai đoạn trước - khi chỉ coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng tiếp tục yêu cầu phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng để khu vực này thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng chính là tạo điều kiện để giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, để nền kinh tế phát huy tối đa các tiềm năng to lớn của khu vực này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những vấn đề đặt ra hiện nay

Kinh tế tư nhân (KTTN) được dùng để chỉ các thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Cả 2 thành phần kinh tế trên thuộc cùng chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, tuy nhiên, quy mô sở hữu là khác nhau. Cho đến nay, quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò, đóng góp của KTTN cũng như đường lối tạo điều kiện phát triển KTTN là rõ ràng, đầy đủ.

Trong bối cảnh mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã bộc lộ những điểm yếu và đã đến điểm tới hạn, cần thiết phải thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, tìm ra những động lực phát triển mới cho nền kinh tế thì việc nghiên cứu vai trò động lực của KTTN trong sự phát triển kinh tế của đất nước giai đoạn hiện nay đến năm 2020 là rất quan trọng. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, KTTN cũng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức lớn, đó là:

- Quy mô của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) nhỏ: Kể từ khi Luật Doanh nghiệp (năm 1999) ra đời đến nay, số lượng DNTN tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Thời điểm năm 2000, cả nước có 35.044 DNTN hoạt động thì đến cuối năm 2016 đã có trên 500 nghìn DNTN. Dù khu vực KTTN phát triển nhanh chóng về số lượng nhưng các DN đa phần vẫn là DN quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ. Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 90% DNTN đang hoạt động có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Riêng DN siêu nhỏ (theo tiêu chí là dưới 10 lao động) chiếm khoảng 66%. Nhiều DN có đặc điểm không khác nhiều so với hộ kinh doanh cá thể về quy mô lao động, doanh thu, tổ chức quản lý.

- Kết quả kinh doanh hạn chế, tỷ lệ DN thua lỗ cao: Căn cứ vào chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế theo “Báo cáo Thường niên DN Việt Nam năm 2015” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, tỷ lệ DNTN bị thua lỗ trong giai đoạn 2007-2014 dao động trong khoảng từ 21,7% đến 45,4%. Bên cạnh đó, số DN phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh đã tăng liên tục trong 3 năm gần đây. Năm 2015 cả nước có 71.391 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2014, cụ thể: 15.649 DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, và 55.742 DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký.

- Trình độ và năng lực tổ chức quản lý của DNTN Việt Nam còn hạn chế: Hiện tại, phần lớn nhân sự cao cấp tại các DN Việt Nam chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh một cách bài bản, gắn với thực tế sản xuất kinh doanh, điều này dẫn đến thiếu chiến lược kinh doanh, sản phẩm không đa dạng, khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ chưa cao, chưa đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng, giá cả chưa hợp lý. Các yếu tố khác như quảng cáo, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tổ chức, quản lý mạng lưới phân phối... chưa được quan tâm.

- Năng lực công nghệ của các DNTN thấp: Nhiều DN với hệ thống máy móc thiết bị lạc hậu so với trình độ khu vực khoảng 2 đến 3 thập kỷ, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên nhiên liệu, ảnh hưởng xấu tới môi trường trong khi chất lượng và mẫu mã sản phẩm hàng hoá dịch vụ bị hạn chế.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do:

- Nhận thức về vị trí, vai trò của khu vực KTTN chưa nhất quán, DNTN chưa thực sự được coi là một thành phần kinh tế quan trọng ở Việt Nam. Những “ưu ái” vẫn dành cho khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

- Cơ chế hỗ trợ DNTN chưa đi vào thực tế. DNTN ít được tiếp cận với những chính sách hỗ trợ và các chương trình ưu đãi của Chính phủ; ít được hỗ trợ về thông tin thị trường trong và ngoài nước, họ thường phải tự vươn lên, làm ăn theo kinh nghiệm. Điều này khiến cho DNTN luôn phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn.

- Môi trường kinh doanh chưa thuận lợi cho KTTN phát triển. Tiến trình cải cách thể chế kinh tế diễn ra chậm chạp, môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng. Các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, cơ chế “xin - cho” còn diễn ra ở nhiều nơi. Cơ chế tiếp cận vốn vay và các chương trình hỗ trợ DNTN bao gồm các hỗ trợ tư pháp, chế độ thông tin, hỗ trợ đào tạo... chưa được quan tâm đúng mức.

- Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Mức độ kỹ năng của người lao động không đáp ứng được yêu cầu đặt ra của các DN. Theo một số liệu điều tra, có khoảng 9% tổng số các DN gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các lao động có kỹ năng phù hợp và 67% trong số các DN này cho rằng nguyên nhân chính là do thiếu các lao động có đủ kỹ năng như yêu cầu. Hơn 70% các DN quy mô nhỏ và vừa và các DN ở khu vực nông thôn cho rằng, nguyên nhân chính của khó khăn trong tuyển dụng là do thiếu lao động có kỹ năng.

Để phát huy tốt vai trò của kinh tế tư nhân

Trong thời gian tới, với các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cụ thể, KTTN sẽ tiếp tục phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Để KTTN phát huy tốt vai trò của mình, cần tập trung chú trọng các giải pháp sau:

Thứ nhất, phát huy tính năng động, hiệu quả cạnh tranh của KTTN.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta hiện nay, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế những cơ hội mang lại cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế là vô cùng phong phú. Với những thế mạnh tự nhiên vốn có, các DNTN ở mọi quy mô đều không thiếu cơ hội để lựa chọn.

Thậm chí hiện nay các cơ quan công quyền các cấp cũng đang rất coi trọng thực hiện mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư và vận hành các công trình phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Với sự tham gia và hiện diện trên mọi lĩnh vực mà pháp luật không cấm, KTTN đã góp phần quan trọng thúc đẩy, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Chính phủ liên tục có những nghị quyết về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của DN.

Chủ trương, đường lối của Đảng đã rõ, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng hoàn thiện, kết quả hoạt động mọi mặt của KTTN hiện giờ phụ thuộc chính vào năng lực tổng hợp của mỗi DN, đòi hỏi mỗi DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tính năng động trong sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, thực hiện quản lý, điều hành nền kinh tế  minh bạch.

Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, điều hành nền kinh tế nói chung, với thành phần KTTN nói riêng đã rõ ràng, nhất quán. Đó là quản lý bằng pháp luật, vận hành theo quy luật thị trường…

Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện còn nhiều hạn chế, thậm chí có lúc, có nơi còn đi ngược lại chủ trương, đường lối đã đề ra (Như tình trạng lợi dụng quyền hạn để mưu lợi, lợi dùng quyền quản lý kinh tế thực hiện các hành vi móc ngoặc, tham nhũng, bòn rút vốn nhà nước…).

Đối với DNTN, vẫn còn tình trạng bị vòi vĩnh, quấy nhiễu, bị gây khó dễ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thể hiện tư duy và cách thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ công quyền với thành phần KTTN rất đáng phê phán, như Đại hội XII đã chỉ rõ: “Chưa thật sự phát huy đầy đủ quyền tự do kinh doanh của người dân theo Hiến pháp, pháp luật”. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác là: “Nhà nước còn can thiệp trực tiếp, quá lớn trong nền kinh tế. Vẫn còn tình trạng bao cấp, xin - cho trong xây dựng và thực hiện một số cơ chế, chính sách”.

Những hạn chế trên có chung nguyên nhân, những hậu quả đối với các DN của hai thành phần kinh tế Nhà nước và KTNN đều liên quan mật thiết đến nhau. Đó là việc thực hiện không nghiêm các quy định pháp luật về quản lý kinh tế của một bộ phận cán bộ có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhằm mưu lợi cá nhân; việc kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công vụ của đội ngũ này không hiệu quả…

Chủ trương, đường lối về phát triển KTTN đã rõ ràng, pháp luật trong lĩnh vực này cũng đang từng bước được bổ sung, hoàn thiện nhằm phù hợp với các yêu cầu và tiêu chuẩn của các hiệp định, các tổ chức quốc tế và khu vực mà Việt Nam ký kết tham gia. Vấn đề đặt ra hiện nay là sự quyết tâm trong công tác điều hành, quản lý.

Cụ thể là cách tiếp cận công việc của đội ngũ công chức các cấp, các ngành cần minh bạch; việc quản lý, giám sát của các cơ quan hữu quan cần thực hiện một cách sát sao; cách đón nhận, xử lý những khiếu nại của nhân dân về cung cách thực thi công vụ cần được coi là một nhiệm vụ quan trọng. Những nội dung này cũng chính là tư tưởng nổi bật trong Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện và tổ chức quản lý nhà nước.

Bổ sung, sửa đổi về phân công, phân cấp quản lý khu vực KTTN: Chức năng quản lý nhà nước đối với khu vực KTTN là xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển KTTN, hoàn thiện khung pháp lý và ban hành định hướng chính sách, cơ chế quản lý đối với khu vực này; kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chế độ, quy định của Nhà nước.

Thống nhất quản lý nhà nước đối với toàn bộ khu vực KTTN (các hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp của tư nhân), nhất là khâu đăng ký kinh doanh; các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý theo ngành và lãnh thổ đối với tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có KTTN. Hình thành một đầu mối tổng hợp chung đối với khu vực KTTN ở Trung ương và địa phương.

Thứ tư, khắc phục những hạn chế cơ bản trên một số lĩnh vực.

Những hạn chế của DNTN được Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Hầu hết DNTN quy mô còn nhỏ, thiếu liên kết, khả năng ứng phó với các rủi ro yếu, nhiều DN phải giải thể hoặc ngừng hoạt động”. Nguyên nhân là do năng lực còn hạn chế, quy mô vốn của DN còn nhỏ, chưa năng động trong tìm kiếm thị trường cũng như tiếp cận phương thức quản lý và công nghệ thích hợp thị trường; về khách quan là các cơ chế, chính sách chưa kịp thời đáp ứng đòi hỏi của tình hình cũng như yêu cầu phát triển của KTTN, cung cách quản lý chưa đem lại hiệu quả cao…

Để khắc phục những hạn chế này, cần thực hiện tốt những phương hướng, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Cụ thể là: Tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển; Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình DN; Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với những biện pháp này, thành phần KTTN với các DN tư nhân không chỉ là đối tượng để các chính sách hướng tới, phục vụ, mà chính họ còn là những chủ thể tham gia tích cực, góp phần hiện thực hóa các chính sách đó. Qua đó, KTTN sẽ từng bước trưởng thành về mọi mặt, từng bước khắc phục những hạn chế hiện nay.      

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 102;

2. Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN;

3. Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2011-2015,
NXB; Thống kê, Hà Nội, 2016, tr. 36.