Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các địa phương và bài học cho Vĩnh Phúc

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ II tháng 12/2016

Kể từ thi nước ta thực hiện chính sách mở cửa, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như các địa phương trong cả nước. Khảo sát tình hình thu hút nguồn vốn FDI ở một số địa phương, bài viết rút ra những bài học kinh nghiệm thu hút nguồn vốn FDI cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng thu hút nguồn vốn FDI ở một số địa phương

Thu hút FDI vào tỉnh Bắc Ninh

Thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới, với lợi thế về vị trí địa lý cùng khả năng liên kết vùng, khu vực thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng và sự năng động của lãnh đạo Tỉnh, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút có hiệu quả dòng vốn FDI.

Thời điểm tái lập Tỉnh năm 1997, Bắc Ninh chỉ có 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 177,58 triệu USD đến tháng 8/2016, đã tăng lên 882 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12,1 tỷ USD. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2016, toàn Tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 111 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 429,58 triệu USD. Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ về mức độ hấp dẫn các dự án FDI.

Đến nay, Bắc Ninh đã có 15 khu công nghiệp (KCN) tập trung được Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 7.681 ha, trong đó có 9 KCN đã đi vào hoạt động hiệu quả như: Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành III, Quế Võ II, Đại Đồng - Hoàn Sơn, KCN Đô thị và dịch vụ VSIP, HANAKA. Các KCN được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với các ngành sản xuất có tính động lực như điện tử, dệt may, cơ khí với kỹ thuật tiên tiến, làm tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Không chỉ thu hút được lượng FDI lớn, Bắc Ninh còn được biết đến như là:

“Thánh địa sản xuất điện thoại di động của khu vực và thế giới”. Các dự án FDI ở Bắc Ninh còn được đánh giá cao về chất lượng bởi sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn và thương hiệu toàn cầu như: Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan), Pepsico (Hoa Kỳ), ABB (Thụy Điển), Ariston (Italia)... Đây là điểm đặc biệt đáng chú ý khi trên cả nước, số lượng các tập đoàn lớn đầu tư còn khiêm tốn, không như kỳ vọng.

Nhìn chung, nguồn vốn FDI đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể, khu vực FDI đã chiếm trên 85% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh, đóng góp tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa Bắc Ninh trở thành Tỉnh có giá trị xuất siêu lớn trên cả nước. Thu nhập bình quân của lao động trong các KCN đạt 5,578 triệu đồng/người/tháng.

Thu hút FDI vào tỉnh Quảng Nam

Với vị trí mang tính chiến lược, kết nối các địa phương trong nước và quốc tế, lợi thế nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, dịch vụ sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và các nước khác thuộc ASEAN, Đông Á… Cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, Quảng Nam đã tiến hành quy hoạch, xây dựng các KCN và cụm công nghiệp. Đến nay, Quảng Nam có 53 cụm công nghiệp, 8 KCN và khu kinh tế mở Chu Lai.

Nhờ chủ động trong xây dựng những chính sách hỗ trợ nhà đầu tư linh hoạt, cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng… Quảng Nam cũng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư FDI hiệu quả như:  Nhà máy Ô tô Trường Hải, Kính nổi Chu Lai, các dự án du lịch lớn của Indochina Capital, VinaCapital, Victoria, Golden Sand, Palm Garden… là cơ sở tạo nên sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Được biết, những ngày đầu mới tái lập Tỉnh, Quảng Nam chỉ thu hút được dưới 10 doanh nghiệp FDI với số vốn đăng ký đầu tư dưới 20 triệu USD. Đến năm 2014, trên địa bàn Tỉnh đã có 104 dự án FDI với vốn đăng ký trên 5,219 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp vào ngân sách của Tỉnh hàng năm trên 800 tỷ đồng, giải quyết hơn 20.000 lao động tại địa phương.

Riêng 6 tháng đầu năm 2016, Quảng Nam đã dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút vốn FDI, đứng vị trí thứ 22/53 trong bảng xếp hạng, đã có 11 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đăng ký hơn 103,4 triệu USD. Nhiều dự án được khởi công và tăng vốn. Mới đây nhất, 46 nhà cung cấp linh kiện, vật tư cho Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) đã đến tìm hiểu cơ hội và thỏa thuận xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai.

Thu hút FDI vào tỉnh Bình Dương

Là một tỉnh thuần nông, Bình Dương bước vào xây dựng và phát triển công nghiệp ở điểm xuất phát thấp, gần như chưa có cơ sở hạ tầng về công nghiệp. Thực tế đó buộc tỉnh Bình Dương phải có sự đột phá, đi tắt đón đầu. Với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, Bình Dương đã chủ động xây dựng các chương trình, nội dung xúc tiến, mời gọi đầu tư; luôn sâu sát, lắng nghe và kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, “coi khó khăn vướng mắc của DN là khó khăn vướng mắc của Tỉnh”; tập trung nguồn lực đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng; chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính thực hiện đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh.

Nhờ vậy, đến nay Bình Dương đã trở thành một trong 5 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước, là một “địa chỉ đỏ” về thu hút FDI của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tính đến tháng 06/2016, Bình Dương thu hút 2.883 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 25,355 triệu USD. Nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực tài chính và công nghệ đã đầu tư vào Tỉnh.

FDI đã đem đến công nghệ hiện đại và phương thức quản lý tiên tiến góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở địa phương. Hiện nay, các nước châu Á chiếm 74% tổng vốn đăng ký, các nước châu Âu chiếm 10%, châu Mỹ chiếm 4% (chủ yếu là Hoa Kỳ), còn lại 12% thuộc các Vùng lãnh thổ.

Điểm nhấn trong thu hút FDI của tỉnh Bình Dương là các dự án của các tập đoàn lớn trên thế giới tập trung vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao, điện gia dụng, dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng cao cấp, các dịch vụ cao cấp và bất động sản.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp thu hút số dự án và số vốn đầu tư lớn nhất, chiếm tỷ trọng 92,75% trong tổng số dự án và chiếm 71,60% vốn đầu tư đăng ký; Lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chiếm 15,58% tổng vốn đầu tư, có 01 dự án với số vốn đầu tư 1 tỷ 200 triệu USD; Dịch vụ chiếm 1,08% số dự án và 3,43% tổng vốn đầu tư; Lĩnh vực xây dựng chiếm 4,86% tổng vốn đầu tư với 43 dự án… Quy mô trung bình một dự án FDI ở Bình Dương đạt khoảng 8,8 triệu USD/dự án.

Bài học kinh nghiệm cho tỉnh Vĩnh Phúc

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm trong thu hút và sử dụng FDI ở một số địa phương cho thấy, muốn tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả FDI cần có giải pháp tạo điều kiện hấp dẫn để thu hút được FDI, đặc biệt là FDI từ các nước phát triển, các nước có công nghệ cao, công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài nhiều khi không đồng nhất với mục tiêu của quốc gia hay địa phương tiếp nhận FDI.

Vì lợi nhuận, các chủ thể FDI luôn tìm mọi cách tối thiểu hóa chi phí, do đó cần có tầm nhìn trong hoạch định chính sách thu hút vốn FDI, sử dụng FDI cùng với quản lý nhà nước hiệu quả về nguồn vốn này. Đối với Vĩnh Phúc, có thể tham khảo các bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, tạo môi trường kinh tế, chính trị, xã hội ổn định và tăng cường vai trò của chính quyền địa phương. Để tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả FDI, thời gian qua các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam và Bình Dương đã triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và đồng hành cùng nhà đầu tư nước ngoài để hướng dẫn, tạo điều kiện, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư thực hiện đúng cam kết, kiên quyết thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ...  Do vậy, đối với Vĩnh Phúc, việc tăng cường vai trò của chính quyền Tỉnh trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài là cần thiết, để tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư FDI vào phát triển kinh tế địa phương.

Thứ hai, cải thiện môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Các chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của chính quyền tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam và Bình Dương đã mang lại thành công lớn trong thu hút nguồn vốn FDI.

Do vậy, Vĩnh Phúc cần tiếp tục có các chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nhằm hấp dẫn nhà đầu tư tiềm năng vào các ngành nghề, lĩnh vực theo định hướng mới; đồng thời, phải tính toán và được thực hiện trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, hiệu quả kinh tế, xã hội của địa phương, chấm dứt tình trạng thu hút FDI theo phong trào, bất chấp chất lượng và hiệu quả.

Thứ ba, làm tốt công tác quy hoạch và tăng cường quản lý thực hiện tốt quy hoạch. Việc lập quy hoạch phải dựa trên nghiên cứu đánh giá những tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, dự báo về xu thế của FDI và lộ trình thực hiện việc thu hút và sử dụng FDI theo hướng hiệu quả;

Hình thành các danh mục, dự án gọi vốn FDI và tiến hành xúc tiến đầu tư có địa chỉ theo lộ trình thích hợp, xác định rõ yêu cầu về đối tác dự án, sản phẩm, công suất, tiến độ, trình độ công nghệ, thị trường tiêu thụ, địa bàn thực hiện dự án, các chính sách ưu đãi cần thiết… chính là kinh nghiệm mà các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam, Bình Dương đã triển khai thực hiện trong quá trình thu hút và sử dụng FDI.

Thứ tư, đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế triển khai hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thu hút FDI ở các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam và đặc biệt là ở tỉnh Bình Dương cho thấy, việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật không chỉ tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng thu hút vốn FDI đầu tư địa phương… Do vậy, thời gian tới, Vĩnh Phúc cần có chính sách ưu đãi hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế xã hội có quy mô lớn, có tính lan tỏa cao và tác động tích cực đến sự phát triển chung của Tỉnh...

Thứ năm, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Với tầm nhìn chiến lược, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, phát huy lợi thế so sánh và các chính sách thu hút FDI tốt đã đưa Bắc Ninh, Quảng Nam, Bình Dương trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm điện, điện tử, công nghệ cao, công nghệ chế biến…

Như vậy, việc xây dựng các chính sách ưu đãi đặc thù dành cho các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường sự liên kết giữa các DN trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ qua đó làm cầu nối cho các DN trong và ngoài nước hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc thành lập liên doanh để cùng sản xuất các sản phẩm hỗ trợ... là những nội dung mà tỉnh Vĩnh Phúc cần thiết phải thực hiện trong thời gian tới.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phù hợp với yêu cầu thu hút FDI. Thời gian qua các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam và Bình Dương đã tập trung phát triển và đổi mới cơ bản đào tạo, dạy nghề theo yêu cầu của thị trường và hoàn thiện theo hướng tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, từ đó nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ lao động trong Tỉnh... Đây là kinh nghiệm mà tỉnh Vĩnh Phúc có thể chọn lọc và áp dụng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phù hợp với yêu cầu thu hút FDI vào địa bàn Tỉnh.

Thứ bảy, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư. Đây là cách làm mà Bắc Ninh, Bình Dương và Quảng Nam đã thực hiện tốt trong quá trình thu hút FDI vào địa phương. Do đó, Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư của Tỉnh. Cụ thể là tổ chức tốt các hoạt động kêu gọi đầu tư thông qua hội chợ thương mại, triển lãm… để tiếp thị hình ảnh và tiềm năng của địa phương trên trường quốc tế; Tập trung tìm kiếm nhà đầu tư tốt, chú trọng năng lực thực chất của nhà đầu tư...

Thứ tám, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động FDI. Để phát huy tác động tích cực và giảm thiểu những hạn chế và bất cập trong hoạt động của FDI, các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam và Bình Dương đã tiến hành tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư sau cấp phép, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dự án đầu tư; tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm triển khai. Đây cũng là những kinh nghiệm để Vĩnh Phúc triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động FDI.

Thứ chín, cải thiện môi trường đầu tư. Một trong những lý do mang lại sự thành công trong thu hút FDI của các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam và Bình Dương là xuất phát từ việc các địa phương này đã tập trung cao độ trong việc cải thiện môi trường đầu tư.

Do vậy, để trở thành một trong những điểm đến đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một đầu mối, chống quan liêu tham nhũng trong việc thực hiện các thủ tục xin thuê đất, giao đất, cấp quyền sử dụng đất, cấp phép đầu tư, chống phiền hà, sách nhiễu trong triển khai thực hiện chính sách thuế, tín dụng, các dịch vụ; Thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ để thu hút FDI…

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013), Kỷ yếu Hội nghị 25 năm đầu tư FDI tại Việt Nam;

2. Phùng Quang Hùng (2013), Đầu tư FDI trong phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài dưới góc độ địa phương;

3. Các website: khucongnghiep.com.vn, vinhphuc.gov.vn, mof.gov.vn…