Về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay

ThS. Trần Ngọc Tú - Công ty Vàng bạc đá quý BeU

Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đang được xem như là một trong những chiến lược kinh doanh hàng đầu của doanh nghiệp hơn là những quy định hay từ thiện bắt buộc. Triển khai tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không những sẽ giúp cho doanh nghiệp kinh doanh tốt mà còn hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến kinh doanh và các vấn đề xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trách nhiệm xã hội - Vấn đề cần được quan tâm

Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (DN) là phương án mà các DN thường áp dụng như là một chiến lược nhằm tìm kiếm lợi nhuận dài hạn cho DN, đi cùng với phúc lợi xã hội cũng như bảo vệ môi trường. Cụ thể, trách nhiệm xã hội của DN được thể hiện qua các mặt: (i) Bảo vệ môi trường; (ii) Đóng góp cho cộng đồng xã hội; (iii) Thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp; (iv) Bảo đảm an toàn và lợi ích cho người tiêu dùng; (v) Quan hệ tốt với người lao động; (vi) Bảo đảm lợi ích cho cổ đông và người lao động trong DN.

Kết quả khảo sát do Viện Khoa học Xã hội và Lao động tiến hành gần đây trên 24 DN thuộc ngành Da giày và dệt may cho thấy, nhờ thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội mà doanh thu của DN đã tăng 25%, năng suất cũng tăng từ 34,2 triệu đồng lên đến 35,8 triệu đồng/lao động/một năm; tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%.

Đó là chưa kể DN đã củng cố niềm tin với khách hàng, tạo được sự gắn bó trong nội bộ đồng thời thu hút lao động có chuyên môn cao. Trách nhiệm xã hội DN đang được xem như là một trong những chiến lược kinh doanh hàng đầu của DN hơn là những quy định hay từ thiện bắt buộc.

Trong hoạt động kinh doanh, mục đích của DN cũng nhắm đến người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của mình chứ không phải là khách hàng trung gian. Xã hội có bao nhiêu người sử dụng sản phẩm do DN làm ra, thì DN phải chịu trách nhiệm với bấy nhiêu người tiêu dùng. Đây là trách nhiệm lớn nhất vì liên quan đến cộng đồng.

Trách nhiệm xã hội của các DN chính là sự tự nguyện, tự giác của các DN thực hiện trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh làm sao có được lợi ích cho DN của mình, cho xã hội, nhưng phải đảm bảo sự phát  triển bền vững vì mục tiêu kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. DN muốn phát triển bền vững cần phải thực hiện đúng những quy định, chuẩn mực về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động...

Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, để DN phát triển một cách bền vững nhất thì vấn đề bảo vệ môi trường phải đặt lên hàng đầu, bởi lẽ môi trường sống tốt lành là nhu cầu đầu tiên và quan trọng nhất của con người.

Muốn sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, việc đầu tiên là các DN cần đảm bảo hoạt động của mình không gây ra những tác hại đối với môi trường sinh thái, tức là phải thể hiện sự thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất của mình.

Có thể nói, trách nhiệm xã hội của DN trong bối cảnh hiện nay là sự cam kết về chất lượng sản phẩm, tính trung thực trong quảng bá sản phẩm, cũng như bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Lòng tin của người tiêu dùng và cộng đồng trong nhiều trường hợp được xây dựng qua trách nhiệm xã hội của DN và trong lịch sử kinh doanh đã có nhiều DN vượt qua đe dọa phá sản nhờ sự chia sẻ của cộng đồng người tiêu dùng. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nếu DN không tuân thủ trách nhiệm xã hội thì DN sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới. Nhiều DN khi thực hiện trách nhiệm xã hội đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong sản xuất kinh doanh.

Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập toàn diện, việc tuân thủ những cam kết về trách nhiệm xã hội của DN dường như chưa được thúc đẩy quan tâm đúng mức. Đây là điều đáng lo ngại. Điều đó thể hiện ở các hành vi gian lận trong kinh doanh, báo cáo tài chính, không bảo đảm an toàn lao động, sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, cố ý gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt là các vụ xả nước thải không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho các dòng sông và cộng đồng dân cư của các Công ty Miwon, Công ty Hyundai Vinashin (Khánh Hòa), Công ty Giấy Việt Trì, các vụ sản xuất thực phẩm chứa chất có hại cho sức khỏe con người...

 Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành có chức năng trong việc quản lý môi trường còn thiếu trách nhiệm, thờ ơ và thậm chí có tiêu cực trong khi kiểm tra, giám sát các DN thể hiện quy trình sản xuất đúng quy định của Nhà nước.

Một số giải pháp

Triển khai tốt trách nhiệm xã hội của DN không những sẽ giúp cho DN kinh doanh tốt mà còn hỗ trợ DN giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến kinh doanh và các vấn đề xã hội. Hoạt động trách nhiệm xã hội của DN không phải chỉ để làm cho DN cảm thấy hài lòng đơn thuần, không hẳn là những hoạt động quảng bá, từ thiện hay tài trợ nhỏ lẻ thông thường mà hoạt động này đòi hỏi tính liên tục, cam kết lâu dài cho lợi ích của DN và cho lợi ích của xã hội.

Trách nhiệm xã hội của DN cần được xem như là lợi ích của DN để họ chủ động triển khai hướng tới một cộng đồng DN kinh doanh hiệu quả với sản phẩm thương hiệu được người tiêu dùng tín nhiệm, xây dựng được nguồn nội lực nhân tài quý giá, có vị thế và danh tiếng tốt trong xã hội...

Chính vì vậy, nâng cao trách nhiệm xã hội của các DN đối với việc bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Để làm được điều này, cần quan tâm đến các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của các DN mà đứng đầu là cán bộ lãnh đạo, quản lý DN trong việc sản xuất với bảo vệ môi trường. Đây là việc làm cần thiết, để có hành vi đúng trong việc bảo vệ và giải quyết tốt những vấn đề về môi trường, trước hết các DN cần phải có nhận thức đúng đắn, từ đó họ mới có thái độ, ý thức tích cực, tự giác trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội trước hết cần được xem là một hành vi đạo đức và được điều khiển bằng động cơ đạo đức.

Thứ hai, không ngừng hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung những quy định, chế tài về bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường có vai trò quan trọng đối với việc điều khiển hành vi của các DN trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về môi trường và bảo vệ môi trường chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nâng cao trách nhiệm xã hội của các DN trong bảo vệ môi trường.

Thứ ba, cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho các địa phương bao gồm công tác đào tạo cán bộ quản lý nghiệp vụ, hoàn chỉnh hệ thống quản lý môi trường từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, cơ sở sản xuất...

Thứ tư, phát huy vai trò của các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý về bảo vệ môi trường. Cần ban hành pháp luật, cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ môi trường, đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm cần quản lý và xử lý nghiêm các DN vi phạm về bảo vệ môi trường mới có thể nâng cao được trách nhiệm xã hội của các DN về vấn đề này.   

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đình Cung và Lưu Minh Đức (2009), Trách nhiệm xã hội của DN – (CSR): Một số vấn đề lý luận và yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước đối với CSR ở Việt Nam;

2. Công Phong (2015), Nâng cao trách nhiệm xã hội của DN, truy cập từ http://baotintuc.vn/doanh-nghiep/nang-cao-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-20150814203245962.htm;

3. PGS.,TS Phạm Văn Đức (2010). Trách nhiệm xã hội của DN ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách – Tạp chí Triết học.