Doanh nghiệp với ý thức trách nhiệm xã hội
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, để doanh nghiệp phát triển bền vững nhất thì vấn đề bảo vệ môi trường phải đặt lên hàng đầu. Thực hiện tốt điều này cũng chính là thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội...
Lòng tin của người tiêu dùng và cộng đồng trong nhiều trường hợp được xây dựng qua trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN) và trong lịch sử kinh doanh đã có nhiều DN vượt qua đe dọa phá sản nhờ sự chia sẻ của cộng đồng người tiêu dùng.
Hiện nay, nhiều DN lớn ở Việt Nam đã nhận thấy rằng, trách nhiệm xã hội của DN đã trở thành một trong những yêu cầu không thể thiếu được đối với doanh nghiệp, bởi lẽ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Nếu DN không tuân thủ trách nhiệm xã hội của DN sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới. Nhiều DN khi thực hiện trách nhiệm xã hội đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong sản xuất kinh doanh.
Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập toàn diện, việc tuân thủ những cam kết về trách nhiệm xã hội của DN dường như chưa được thúc đẩy trong quá trình chuẩn bị nhập cuộc.
Đây chính là điều rất đáng lo ngại. Điều đó thể hiện ở các hành vi gian lận trong kinh doanh, báo cáo tài chính, không bảo đảm an toàn lao động, sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, cố ý gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, nhiều DN vi phạm các quy định pháp luật về lương bổng, chế độ bảo hiểm, vấn đề an toàn lao động cho người lao động cũng không còn là hiện tượng hiếm thấy, đã và đang gây bức xúc cho xã hội.
Triên khai tốt trách nhiệm xã hội của DN không những sẽ giúp cho DN kinh doanh tốt mà còn hỗ trợ DN giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược và cốt lõi liên quan đến kinh doanh và các vấn đề xã hội.
Hoạt động trách nhiệm xã hội của DN không phải chỉ để làm cho DN cảm thấy hài lòng đơn thuần, khổng hẳn là những hoạt động PR, từ thiện hay tài trợ nhỏ lẻ thông thường mà hoạt động này đòi hỏi tính liên tục, cam kết lâu dài cho lợi ích của DN và cho lợi ích của xã hội.
Trách nhiệm xã hội của DN cần được xem như là lợi ích của DN để DN chủ động triển khai hướng tới một cộng đồng DN kinh doanh hiệu quả với sản phẩm thương hiệu được người tiêu dùng tín nhiệm, xây dựng được nguồn nội lực nhân tài quý giá, có vị thế và danh tiếng tốt trong xã hội, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh và nâng tầm cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tất cả yếu tố này nhằm đảm bảo phát triển kinh doanh một cách bền vững và lâu dài.
Chính vì vậy, nâng cao trách nhiệm xã hội của các DN đối với việc bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết, để làm được điều này, chúng ta cần quan tâm đến các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, cần tuyên truyền và nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của các DN mà đứng đầu là cán bộ lãnh đạo, quản lý DN trong việc sản xuất với bảo vệ môi trường.
Đây là việc làm cấp thiết, để có hành vi đúng trong việc bảo vệ và giải quyết tốt những vấn đề về môi trường, trước hết các DN cần phải có nhận thức đúng đắn, từ đó họ mới có thái độ, ý thức tích cực, tự giác trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Việc thực hiện trách nhiệm xã hội trước hết cần được xem là một hành vi đạo đức và được điều khiển bằng động cơ đạo đức.
Thứ hai, không ngừng hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung những quy định, chế tài về bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường có vai trò quan trọng đối với việc điều khiển hành vi của các DN trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên.
Vì vậy, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về môi trường và bảo vệ môi trường chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nâng cao trách nhiệm xã hội của các DN trong bảo vệ môi trường.
Thứ ba, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho các địa phương bao gồm công tác đào tạo cán bộ quản lý nghiệp vụ, hoàn chỉnh hệ thống quản lý môi trường từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã, cơ sở sản xuất...
Thứ tư, tăng cường phát huy vai trò của các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý về bảo vệ môi trường. Cần ban hành pháp luật, cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ môi trường.
Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm cần quản lý và xử lý nghiêm các DN vi phạm về bảo vệ môi trường mới có thể nâng cao được trách nhiệm xã hội của các DN về vấn đề này.