Ngóng chính sách xử lý nợ xấu

Minh Huệ - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Các tỏ chức tín dụng (TCTD) đang ngóng những chính sách mới về xử lý nợ xấu, như Nghị định 53 sửa đổi, hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ… vì năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao hạn thời gian và số lượng nợ xấu phải xử lý…

Năm 2015, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu. Nguồn: internet
Năm 2015, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu. Nguồn: internet

Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận khó có thể đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, khi mà những hành lang pháp lý mới chưa được ban hành. Thực tế, nợ xấu vẫn tăng lên, những rủi ro tín dụng vẫn chưa được cải thiện do doanh nghiệp vẫn chưa có nhìn thấy cơ hội mở rộng kinh doanh.

Xử lý nợ trên sổ sách

Việc NHNN đặt thời gian và số lượng nợ xấu mà các TCTD buộc phải xử lý được cho thấy áp lực nợ xấu có thể sẽ tăng lên khi tháng 7 tới sẽ áp dụng toàn bộ Thông tư 02. Bởi vậy, cơ quan này muốn các ngân hàng nhanh chóng xử lý nợ xấu ngay từ đầu năm để giảm bớt áp lực vào cuối năm.

Về vấn đề này, CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng trong các tháng đầu năm, dự báo sẽ chưa có nhiều chính sách kinh tế mới được công bố. Nhiều khả năng trong 1, 2 tháng tới, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc để cơ quan xử lý nợ xấu là VAMC hoạt động hiệu quả hơn, như tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thị trường mua bán nợ…

“Tuy vậy, cùng lúc đó, bức tranh nợ xấu sẽ ngày càng lộ rõ hơn với việc các ngân hàng phải chấp hành đầy đủ các quy định của Thông tư 09, Thông tư 02. Do vậy tiến trình xử lý nợ xấu dự kiến sẽ còn kéo dài và diễn ra phức tạp trong thời gian tới”, BVSC bình luận.

Cũng có thể NHNN cho rằng nếu để mọi việc được thực hiện quá muộn thì sẽ có một số ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu của quy định mới. Cần phải nói rằng số liệu nợ xấu trong mục tiêu của NHNN là số liệu do các ngân hàng nộp về hàng tháng. Số liệu này thường thấp hơn so với con số của cơ quan thanh tra, giám sát NHNN.

Theo số liệu của NHNN, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đã giảm xuống còn 3,8% vào cuối tháng 11 so với 4,11% vào tháng 7/2014. Còn theo đánh giá của Cơ quan thanh tra giám sát đánh giá trên cơ sở của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), kết hợp cả định tính định lượng để phục vụ cho công tác điều hành là 5,3%.

Theo Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, việc NHNN đốc thúc ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong 6 tháng đầu năm còn có lý do từ kỳ hạn 5 năm thực hiện tái cơ cấu chỉ còn 1 năm và hệ thống ngân hàng cần phải có một thành tích.

“Hơn nữa, theo quan điểm của NHNN, con số nợ xấu 3% là ở ngưỡng an toàn, do vậy, việc giảm xuống mức đó để tạo sự yên tâm cho người dân”, Ts. Hiếu bình luận.

Ngóng chính sách

Theo giới chuyên gia ngân hàng, thực tế, việc nợ xấu về đích 3% vào cuối năm nay của NHNN là có thể đạt được, tuy nhiên, đó chỉ là con số xử lý trên sổ sách. Quan trọng là nợ xấu của nền kinh tế.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong năm nay là xử lý nợ xấu, để cuối năm nay sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% như Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 và Nghị quyết số 77/2014/NQ-QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội.

Để đưa nợ xấu về dưới 3%, theo bà Hồng, phải nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của VAMC trong mua, bán, xử lý nợ xấu để đóng vai trò như là động lực thúc đẩy cung, cầu về mua, bán nợ xấu thông qua tăng vốn điều lệ cho VAMC, triển khai mua bán nợ theo cơ chế thị trường, các hoạt động đấu giá, định giá nợ và tài sản bảo đảm.

“Cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua nợ, tài sản bảo đảm của TCTD và VAMC; Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, Quy chế cho vay, quy chế mua bán nợ của các TCTD và các văn bản pháp lý có liên quan”, bà Hồng cho biết.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm nay sẽ hình thành, phát triển thị trường mua bán nợ, đây là nội dung quan trọng nhằm hình thành đầy đủ thể chế cho việc xử lý nợ xấu.

“Hiện nay, việc mua bán nợ mới được thực hiện như việc mua bán tài sản dựa trên thỏa thuận giữa các tổ chức, cá nhân, chưa hình thành thị trường mua bán nợ tập trung, có tổ chức”, Phó Thống đốc bình luận.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2015, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, trước hết là các giải pháp thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành, như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, xử lý nợ xấu, tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, bán, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm…

“Thực tế, Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị thông qua và Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.