Người trẻ mua nhà vì nỗi lo tăng giá
Giá nhà liên tục tăng cao, theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, người trẻ đang chi mạnh tay hơn trong việc mua nhà vì áp lực tăng giá.
Độ tuổi mua nhà được "trẻ hóa"
Vừa sở hữu một căn hộ 66m2 tại huyện Đông Anh (Hà Nội) với mức giá khá "hời", Quang Huy (27 tuổi, kỹ sư công nghệ tin) cho hay: "Thực ra tôi chưa có ý định mua nhà, và từ trước đến nay vẫn có suy nghĩ rằng mua căn hộ chung cư là tiêu sản, nhưng sau khi nghe anh ruột làm môi giới bất động sản chia sẻ về sự tăng giá chóng mặt của chung cư Hà Nội, may mắn lúc đó có người quen cần sang nhượng nhà nên tôi đã quyết định xuống tiền".
Anh Huy cũng cho hay, căn hộ được mua với giá 2 tỷ đồng, thế nhưng chỉ sau 5 tháng, hiện đã có người liên hệ mua lại với giá 2,5 tỷ đồng.
Cùng suy nghĩ, Thu Hiền (28 tuổi, luật sư, TP. Hồ Chí Minh) cũng cho hay, thời điểm trước, giới trẻ thường có suy nghĩ mua căn hộ là tiêu sản. Những người trẻ như Thùy Dương luôn có suy nghĩ đi thuê nhà để có thể trải nghiệm nhiều môi trường sống, thay vì mua nhà và phải gánh một khối nợ khá lớn. Tuy nhiên, giá nhà tăng, đồng thời giá thuê chung cư cũng tăng nhanh, phải trả mức kinh phí gần 12 triệu đồng/tháng/căn hộ 2 phòng ngủ xa trung tâm, thay vì 8 triệu đồng như trước đây, suy nghĩ của Thùy Dương đã thay đổi và bước vào thời gian đi tìm mua căn hộ chung cư.
Theo CBRE Việt Nam, độ tuổi quyết định mua nhà đang dần thấp xuống, trước đây phần lớn người có nhu cầu mua nhà, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp, là khách hàng có độ tuổi trung bình từ 35 - 45 thì trong giai đoạn gần đây độ tuổi những người mua căn nhà đầu tiên có xu hướng trẻ hoá, độ tuổi từ 27 - 30 tuổi.
Khảo sát của Batdongsan.com.vn trên 1.000 người ở các đô thị lớn cũng đang cho thấy những khách hàng có độ tuổi từ 22 đến 39 đang trở thành nhóm khách hàng có nhu cầu mua nhà chủ lực, thay thế nhóm trung lưu trên 40.
Chuyên gia CBRR lý giải người trẻ hiện có nhu cầu sống độc lập hơn, muốn tách khỏi gia đình sớm hơn, một phần vì họ chọn lối sống hiện đại và tự do. Công việc của người trẻ hiện tại nhìn chung khá là đa dạng, không bó buộc ở khối văn phòng mà họ làm nhiều ngành nghề, công việc sáng tạo,... Việc sở hữu căn nhà, chỗ ở riêng biệt được xem là yếu tố người trẻ đang hướng tới, thậm chí với một số bạn trẻ thì mua căn nhà đầu tiên là mục tiêu phấn đấu đầu tiên trong cuộc đời.
Quản lý tài chính ra sao để mua nhà?
Tuy nhiên, người trẻ Việt Nam đang đối mặt với một thách thức đáng kể khi muốn sở hữu một căn nhà riêng. Giá nhà đất tăng vọt trong những năm gần đây, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM. Sự gia tăng này đã làm cho việc mua nhà trở nên khó khăn đối với đa số người trẻ.
Theo một nghiên cứu gần đây, nếu không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình, mức thu nhập tối thiểu cần có để mua nhà là 30 - 45 triệu đồng hàng tháng. Đây được coi là mức có thể tích lũy được một khoản tiền trả trước và trả thêm lãi ngân hàng.
Dù vậy, nguồn cung phân khúc vừa túi tiền hiện không nhiều. Thị phần căn hộ từ 2 - 3 tỷ đồng tại TP. Hồ Chí Minh rất ít, chiếm dưới 20% thị phần nguồn cung hiện tại và chủ yếu tập trung ở khu vực ngoại ô. Điều này dẫn đến lựa chọn hạn chế cho người mua.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - chuyên gia CBRE Việt Nam, để tiếp cận với một căn nhà, người trẻ thường cần sử dụng đòn bẩy tài chính. Đây có thể coi là một lựa chọn hợp lý, nhưng nếu không đảm bảo an toàn tài chính trong suốt thời gian vay nợ, thì có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ trong tương lai.
"Tôi đã chứng kiến những người quyết định vay mua nhà khi thu nhập đang cao và công việc ổn định. Tuy nhiên, sau 3 năm, khi lãi suất vay tăng lên đột ngột, họ gặp khó khăn. Nhiều người phải bán nhà với giá thấp, đồng ý trả lại một phần tiền để tiếp tục thuê nhà", ông Kiệt chia sẻ.
Để mua nhà một cách thuận lợi, theo ông Kiệt, người mua cần nắm vững thông tin về vị trí, tiềm năng phát triển, giao thông và tiện ích xung quanh, cũng như chất lượng pháp lý và uy tín của chủ đầu tư. Ngoài ra, họ cũng nên nghiên cứu kỹ về tài chính và thủ tục vay ngân hàng.
Hiện nay, một số chủ đầu tư đã nhận ra tiềm năng của người trẻ trong thị trường bất động sản. Họ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ như giãn tiến độ thanh toán và hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người mua nhà.