Người Việt vẫn "mê" tiền mặt
Phát biểu tại Hội thảo "Xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam", Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: "Không tiền mặt lợi nhiều đằng, không tiền mặt mà có nhiều thứ. Doanh nghiệp (DN), công sở, đơn vị công giảm vận chuyển, kho bãi, sắm xe chuyên dùng, hiệu quả hoạt động ngân hàng tăng lên".
Dù thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích cho người dân, DN và cả nền kinh tế, song phương thức này vẫn còn ở mức khiêm tốn.
Người dân chưa mặn mà
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee, cho biết trong 7 nước Shopee đang hoạt động, Việt Nam có tỷ lệ thanh toán tiền mặt cao nhất. Tuyệt đại đa số khách hàng của Shopee dưới 35 tuổi nhưng mỗi ngày có vài chục nghìn đơn hàng thanh toán không dùng tiền mặt.
"Chúng tôi đã hoàn thiện và kết nối với các đơn vị thanh toán điện tử, nhưng tỷ lệ thanh toán tiền mặt vẫn cao, chưa kể trả tiền mặt sẽ có những bất tiện cho khách hàng như phải có người ở nhà để nhận hàng, trả tiền…", ông Tuấn Anh cho hay.
Ông Nguyễn Anh Đức, quyền Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cũng chia sẻ nhiều khách hàng đánh giá thanh toán không tiền mặt chưa tiện lợi và số lượng người tiêu dùng quan tâm đến các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa nhiều. Thậm chí, nhiều người vẫn nghĩ thanh toán không tiền mặt hiện nay chỉ có quẹt thẻ nhưng thực tế nhiều hình thức khác như quét mã QR, ví điện tử đều đã được triển khai tại Saigon Co.op
Theo một khảo sát, 80% khách hàng không kể ra được hết các loại hình thanh toán không tiền mặt, nhiều người chưa kể đến 50%, "nghĩa là sự am hiểu về thanh toán không tiền mặt còn rất mông lung", ông Đức chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khá cao, khoảng 87,72% dân số. Tuy nhiên, dù hầu hết các bệnh viện đã triển khai Đề án nhờ ngân hàng thu hộ tiền, nhưng tỷ lệ này rất thấp, phần lớn các đơn vị đang thu bằng tiền mặt.
Theo các DN bán lẻ, ngân hàng và trung gian thanh toán, bên cạnh thói quen của người tiêu dùng, rào cản khiến thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa đạt được mục tiêu là do vướng mắc về chính sách.
Ông Nguyễn Anh Đức cho rằng các ví điện tử hiện nay có quá nhiều đầu mối, vì vậy cần quy hoạch lại hệ thống thanh toán tập trung, đồng bộ.
Ngoài ra, phí thanh toán cũng là vấn đề khiến người tiêu dùng còn e ngại chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử. Chẳng hạn, một số ngân hàng thu phí duy trì thẻ khoảng 10.000-50.000 đồng thông qua việc trừ lại số tiền còn trong thẻ.
"Phải tháo gỡ cả tổng thể vi mô và vĩ mô là cần chấp nhận một tỷ lệ rủi ro trong thanh toán không tiền mặt, nếu không sẽ mất cơ hội", ông Đức đề xuất.
Giảm phí để kích cầu
Cũng cho rằng quy trình xây dựng ví điện tử vẫn có nhiều rào cản, ông Trần Tuấn Anh cho biết, trên app của những đơn vị thanh toán ví điện tử nếu tích hợp ví điện tử theo quy định thì phải trải qua 8 bước, đó là hạn chế thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng.
Ngoài ra, việc kích hoạt sử dụng cách thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn bất tiện đối với người tiêu dùng. Số tiền thanh toán cho mỗi đơn hàng không cao: trị giá khoảng 500.000 đồng, thông thường là 200.000 – 300.000 đồng, nên nhiều người vẫn trả bằng tiền mặt với những hóa đơn có giá trị nhỏ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc công ty truyền thông VNPT Media, cho rằng: "DN nên có các chính sách như khuyến mại để khuyến khích khách hàng có thêm động lực sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi thanh toán hàng hóa, dịch vụ công".
Đại diện VNPT đề xuất các ngân hàng cũng như công ty công nghệ ứng dụng các công nghệ tiên tiến, trong đó có xác thực thông tin, Mobile Money trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc giảm phí cũng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, với sự đồng lòng chung tay của CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).
Để kích cầu thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng Giám đốc NAPAS, cho biết trong năm 2019, NAPAS tiếp tục thực hiện giảm phí chuyển mạch (lên đến 80% tùy theo từng loại giao dịch) cho các ngân hàng thành viên hoàn thành chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.
Đây là động thái nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng 48 ngân hàng thành viên giảm các chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, kích thích tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện để các ngân hàng thành viên xây dựng chính sách phí dịch vụ hợp lý dành cho khách hàng.