Nguồn lực cho tăng trưởng xanh

Theo daibieunhandandan.vn

Nguồn lực tài nguyên thiên nhiên đang dần thu hẹp, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khó lường hơn... Câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra là làm sao để vừa bảo đảm đưa đất nước từ mức thu nhập trung bình lên thu nhập cao mà vẫn giữ được tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng trưởng xanh còn nhiều rào cản

Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đặt ra mục tiêu thúc đẩy tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế.

Từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và bảo đảm phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, tăng trưởng xanh đã được đưa từ chiến lược thành động lực quan trọng cho tăng trưởng một cách bền vững thời gian qua.

Tuy nhiên yêu cầu đặt ra là cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh vào năm 2020, trong đó cần huy động 70% từ khu vực ngoài nhà nước.

Ngoài ra, còn cần chi khoảng 2 - 6% GDP cả nước để khắc phục những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Trong khi còn thiếu chính sách để huy động nguồn tài chính cho lĩnh vực này. Hơn nữa, đây lại là lĩnh vực không dễ để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo chuyên gia của Trường Đại học Thương mại, tăng trưởng xanh tuy đã được giới thiệu trong nước khoảng 8 năm, nhưng thực sự kinh nghiệm, nhận thức trong xây dựng, triển khai thực hiện, huy động nguồn lực cho hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhiều ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân vẫn chủ yếu phát triển kinh tế theo chiều rộng, chưa thấy được tác động tích cực và lâu dài của tăng trưởng xanh. Bên cạnh trở ngại về nhận thức, trình độ công nghệ thấp cũng được xem là một trong những hạn chế, kìm hãm tăng trưởng xanh ở nước ta.

Hiện có đến 95% doanh nghiệp trong nước không đủ khả năng tự nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Và tất nhiên các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức nếu đi theo con đường tăng trưởng xanh đã được thông qua.

Bên cạnh đó, theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ công, Đại học Portland (Hoa Kỳ) Marcus Ingle, một yếu tố không kém phần quan trọng khác có khả năng gây trở ngại không nhỏ đến việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam là nguồn lực về vốn.

Bởi tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực không nhỏ để đầu tư cải tiến công nghệ, thực hiện các dự án đầu tư xanh trong khi nguồn lực trong nước còn rất hạn chế và còn dành để thực hiện nhiều mục tiêu khác. Khó khăn này cũng đã khiến cho không ít doanh nghiệp giảm động lực đổi mới công nghệ, tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm tác động môi trường.

Thu hút đầu tư theo mô hình công - tư

Tại Hội thảo Thực thi chính sách tăng trưởng xanh: So sánh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ do Học viện Chính sách và phát triển tổ chức mới đây, Giáo sư Marcus Ingle cho rằng, Hoa Kỳ và Việt Nam đều đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường tương tự nhau.

Do vậy, những kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong tăng cường hiệu quả thực thi chính sách tăng trưởng xanh cũng sẽ là những đề xuất hữu ích cho Việt Nam.

Theo đó, mọi vùng đô thị phải đặt ra giới hạn tăng trưởng đô thị - đường phân chia đô thị với nông thôn. Ranh giới này phải dự kiến cho 20 năm phát triển của thành phố và có thể điều chỉnh, với mục tiêu trọng tâm là tăng trưởng đô thị nhưng bảo đảm nhỏ gọn, bền vững và bảo tồn các nguồn tài nguyên.

Đồng thời, đặt ra yêu cầu các kế hoạch của chính quyền địa phương phải gắn với hệ thống mục tiêu mang tính ràng buộc pháp lý về phát triển bền vững tổng quát. Đặc biệt, các kế hoạch đất và nguồn lực môi trường phải là chỉ dẫn cho toàn bộ các kế hoạch phát triển khác nhằm bảo đảm giữ và phát triển môi trường xanh, bền vững về dài hạn.

Tán thành và đánh giá cao chia sẻ của Giáo sư Marcus Ingle, chuyên gia của Trường Đại học Thương mại Hà Thị Cẩm Vân cho rằng, chiến lược tăng trưởng xanh cần sự tham gia tích cực, trực tiếp của cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp.

Các kế hoạch của ngành, địa phương khó thành công nếu doanh nghiệp ở đó không nhận thức đầy đủ ý nghĩa, cách thức thực hiện tăng trưởng xanh tại doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đóng vai trò định hướng, có giải pháp hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xanh, thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình thành công.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực, kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực dịch vụ tài chính, ngân hàng hướng đến ưu tiên hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với các dự án tăng trưởng xanh. Ban hành hướng dẫn đầu tư công xanh và tăng cường vận động tài trợ, phối hợp các tổ chức trong nước và quốc tế, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong triển khai lĩnh vực này.

Ngoài ra, cần tăng cường thu hút, hình thành môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào tăng trưởng xanh dưới hình thức chuyển đổi công nghệ/dự án thí điểm/nghiên cứu điển hình; tăng cường đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư (PPP) khi nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế.