Nguồn nhân lực ngành chip Việt Nam “hút” khách?


Với nguồn nhân lực chất lượng cao và giá cả phải chăng, Việt Nam đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút các công ty trong ngành chip toàn cầu.

Hàng loạt các công ty chip đang nhắm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam.
Hàng loạt các công ty chip đang nhắm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam.

Trung tâm nguồn nhân lực bán dẫn

Mới đây, tờ Nikkei Asia đã có một bài phân tích trên nhiều nguồn thông tin với việc Việt Nam đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút các công ty trong ngành chip, tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương.

Theo đánh giá của Nikkei Asia, sức hút của Việt Nam đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một là nhu cầu tăng cao đối với các kỹ sư chip trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo bùng nổ. Sự thay đổi chuỗi cung ứng do căng thẳng Mỹ-Trung gây ra cũng đang thúc đẩy nhu cầu về nhân tài địa phương. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở các nền kinh tế chip truyền thống như Hàn Quốc và Đài Loan, cũng như Mỹ đã khiến các công ty tìm kiếm nguồn nhân lực ở xa hơn.

Alchip Technologies, nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip AI hàng đầu của Đài Loan, đang mở rộng đội ngũ R&D của mình sang Việt Nam, nơi họ đang có kế hoạch mở văn phòng đầu tiên trong năm nay. Công ty có khả năng sẽ tăng số lượng nhân viên lên tới 100 nhân viên kỹ thuật trong vòng hai đến ba năm, theo tiết lộ của Giám đốc tài chính Daniel Wang.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Alchip Technologies, ông Johnny Shen cũng cho rằng: “Nguồn nhân lực kỹ thuật triển vọng của Việt Nam và đạo đức nghề nghiệp mạnh mẽ của họ khiến đây trở thành lựa chọn vô cùng hấp dẫn đối với chúng tôi. Chúng tôi rất ấn tượng trước sự tận tụy và cam kết của các kỹ sư Việt Nam, những người luôn khao khát học hỏi và đóng góp”.

Trong khi đó, GUC và Faraday Technology, hai công ty cung cấp dịch vụ thiết kế chip liên kết cho TSMC và UMC, cũng đang đầu tư vào Việt Nam để tìm kiếm các kỹ sư trẻ. Tương tự, các công ty Hàn Quốc đang hướng đến Việt Nam, như một điểm đến lý tưởng cho việc bù đắp tình trạng chảy máu chất xám tại thị trường quê nhà.

BOS Semiconductors của Hàn Quốc đã vào Việt Nam năm 2022. Họ đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh để thành lập một nhóm hỗ trợ. Nhưng, khi các giám đốc điều hành của công ty bay qua lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, so sánh hai nhóm nhân viên, chất lượng kỹ sư Việt Nam đã thuyết phục họ nâng cấp nhóm. BOS Semiconductors được biết đến như là một công ty chuyên thiết kế chip AI, bao gồm cả cho xe tự lái, cho các khách hàng ô tô như Hyundai.

Một gã khổng lồ trong ngành chip là Marvell đã mô tả Việt Nam như là một “vị trí chiến lược để phát triển nhân tài kỹ thuật”. Công ty đến Việt Nam đã được hơn 10 năm với ban đầu chỉ khoảng chục kỹ sư. Họ phát triển mạnh trong vòng 2 năm nay, khi AI thành cơn sốt. Hiện họ đạt quy mô 400 nhân sự tại Việt Nam, tăng hơn 30% chỉ sau 8 tháng, với 97% là kỹ sư. Công ty đặt mục tiêu tăng số lượng nhân viên địa phương lên khoảng 500 vào năm 2026. Kế hoạch tuyển dụng không chỉ bao gồm nhân viên cho các văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh mà còn một địa điểm mới tại Đà Nẵng.

Ông Lê Quang Đàm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam chia sẻ với Nikkei Asia: “Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thiết kế chip lớn thứ ba của Marvell, chỉ sau trụ sở chính tại Hoa Kỳ và Ấn Độ”.

Synopsys, nhà sản xuất công cụ thiết kế chip hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, cũng là một trong những công ty tích cực nhất đầu tư vào Việt Nam, nơi hiện có hơn 500 nhân viên tại nhiều trung tâm thiết kế ở nhiều thành phố.

Ông Robert Li, Phó chủ tịch phụ trách bán hàng tại Đài Loan và Đông Nam Á của Synopsys, chia sẻ với Nikkei Asia rằng: “Mức độ quan tâm cao của sinh viên và lực lượng lao động Việt Nam đối với việc đào tạo kỹ thuật bán dẫn, cùng với nguồn tài trợ và các chương trình của chính phủ, đang góp phần đưa đất nước này trở thành trung tâm nhân tài về bán dẫn”.

Trong khi đó, ông Brian Chen, đối tác tại KPMG Đài Loan và KPMG Việt Nam, một trong “big four” kiểm toán thế giới cho biết, nhu cầu về kỹ năng kỹ thuật trình độ cao tại Việt Nam lớn hơn nhiều so với nguồn cung, do cuộc chiến công nghệ Trung - Mỹ khiến nhiều công ty chuyển hoạt động sang Đông Nam Á. Cũng theo ông Chen, trong thiết kế chip, mỗi công ty đang tuyển dụng ít nhất 300 hoặc 500 người cho văn phòng tại Việt Nam.

Còn đó những thách thức?

Tuy nhiên, khi dòng vốn đầu tư công nghệ tiếp tục đổ vào Việt Nam, những khó khăn cũng đang xuất hiện. Từ vấn đề về hạ tầng cho đến nhu cầu và vấn đề tiền lương đang trở thành những thách thức đáng kể cho việc biến Việt Nam trở thành trung tâm nguồn nhân lực thiết kế chip trên thế giới.

Ông Lê Quang Đàm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam cho biết, giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã trở nên tắc nghẽn hơn. Thêm vào đó, việc tìm kiếm không gian phù hợp là một thách thức vì công ty không chỉ cần những văn phòng tiêu chuẩn mà còn cần không gian cho các phòng thí nghiệm R&D đòi hỏi nguồn điện và điều kiện không khí khác nhau cho các thiết bị của công ty.

Bên cạnh đó, một trong những lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam so với các nước trong khu vực là tiền lương cho kỹ sư ngành chip có thể sẽ không kéo dài.

Theo trang web cung cấp nguồn lực nghề nghiệp Salary Explorer, các kỹ sư Việt Nam chỉ kiếm được trung bình 665 USD một tháng, thấp hơn mức 5.627 USD của các đồng nghiệp ở Singapore, 3.782 USD ở Đài Loan, 2.826 USD ở Hàn Quốc và 1.313 USD ở Malaysia.

Ông Brian Chen, đối tác tại KPMG Đài Loan và KPMG Việt Nam cho rằng, so với Đài Loan hay Hàn Quốc, năng suất và mức lương của các kỹ sư tại Việt Nam là một điểm cộng. Tuy nhiên, cũng theo ông Chen, ước tính mức lương ở Việt Nam có thể sớm bắt kịp với mức lương ở Đài Loan do nhu cầu tuyển dụng lao động mạnh mẽ.

Ngoài ra, sự cạnh tranh của các nước trong khu vực cũng đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho sức hút của Việt Nam.

Malaysia, một trung tâm công nghiệp chip trong những năm 1970 và 1980, đang thúc đẩy xây dựng lại ngành công nghiệp trong nước. Đầu tư đang đổ vào từ một số tên tuổi lớn nhất trong ngành. Trong khi Thái Lan cũng đang tận hưởng một loạt các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực chip. Ở một khía cạnh nào đó, Nhật Bản đang cố gắng lấy lại thời kỳ hoàng kim của mình như một cường quốc sản xuất chip. Và ngay cả Trung Quốc, nơi chính phủ cũng đang hỗ trợ ngành công nghiệp chip trong nước.

Theo Nguyễn Chuẩn/Diendandoanhnghiep.vn