Nguy cơ "đứt gãy" thương mại Mỹ - Trung
Theo các chuyên gia phân tích, Trung Quốc đang quay lưng lại với hàng nhập khẩu từ Mỹ do nỗ lực của Washington trong việc hạn chế quyền tiếp cận với thiết bị sản xuất chất bán dẫn.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi kể từ năm 2018 khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 300 tỷ USD mà cho đến nay vẫn được chính quyền Tổng thống Biden duy trì.
Theo Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ, vào năm 2022, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 2,4 tỷ USD so với một năm trước đó lên 153,8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc tăng 31,8 tỷ USD lên 536,8 tỷ USD. Mặc dù thương mại tổng thể có dấu hiệu phục hồi, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) có trụ sở tại Mỹ cho biết, các dữ liệu được báo cáo công khai chưa phản ánh chính xác tình hình sau khi có ý kiến cho rằng sự "rạn nứt" thương mại song phương được cho là đang bắt đầu xảy ra sau khi thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục trong 2022.
"Hai nền kinh tế đang trở nên ít phụ thuộc lẫn nhau về mặt thương mại hơn", nhóm chuyên gia cố vấn của PIIE cho biết trong một báo cáo mới công bố gần đây. “Trung Quốc hiện đang chuyển một số giao dịch thương mại ra khỏi Mỹ. Cả hai đều có chung một nỗi lo ngại rằng bên kia sẽ đột ngột vũ khí hóa các dòng chảy thương mại do những quan ngại về an ninh. Và việc đa dạng hóa thị trường là một phần trong những biện pháp đang được thực hiện”, báo cáo nêu rõ.
Cụ thể, PIIE cho biết, trước khi chiến tranh thương mại giữa hai nước diễn ra, tỷ lệ hàng hóa sản xuất chiếm 44% tổng lượng hàng hóa và dịch vụ của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đến năm 2022, tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 41%. Một số dữ liệu mới được công bố từ năm 2022 cũng chỉ ra, xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc đang ngày càng có xu hướng suy giảm so với các quốc gia khác.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp bán dẫn đóng góp một phần quan trọng vào sự sụt giảm xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Hoa Kỳ vào năm 2022 và doanh số bán chất bán dẫn và thiết bị bán dẫn xuất khẩu sang Trung Quốc có thể tiếp tục giảm do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được công bố vào tháng 10/2022.
Ông Yao Yang, một nhà kinh tế và giáo sư của Trường Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh cho biết, theo kết quả một cuộc khảo sát do trường đại học Bắc Kinh đồng chủ trì cho thấy trong số hơn 600 công ty Trung Quốc trong danh sách thực thể bị hạn chế, chỉ khoảng một phần ba bị ảnh hưởng đáng kể bởi các biện pháp hạn chế từ Mỹ.
“Tất nhiên, những biện pháp này của Mỹ có tác động mạnh mẽ đến Trung Quốc. Nhưng điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trong tương lai", chuyên gia Yao nói trong một cuộc hội thảo do Đại học Bắc Kinh tổ chức.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào nghiên cứu và phát triển công nghệ quang tử để tạo ra thế hệ chip tiếp theo có thể thay đổi cuộc chơi trong 10 năm tới khi nói đến việc thay thế chip bán dẫn điện tử truyền thống. "Trung Quốc đang dần ít phụ thuộc vào Mỹ vì họ đã có thể sản xuất những thứ mà trước đây không thể sản xuất được", chuyên gia Yao Yang nhận định.
Bên cạnh chất bán dẫn, xuất khẩu năng lượng của Mỹ đang được chuyển hướng sang châu Âu, trong khi Trung Quốc đã tìm nguồn cung ứng từ Nga kể từ năm ngoái.
Mặc dù vậy, SCMP đưa tin, xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng 16% vào năm 2022 so với năm 2021, đại diện cho một “điểm sáng” trong thương mại song phương. Theo đó, những người nông dân Mỹ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, nhưng người mua ở Trung Quốc có thể ít phụ thuộc vào nguồn cung nông sản Mỹ.
Các số liệu xuất, nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc đang là một trong những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy mối quan hệ thương mại song phương tiếp tục xấu đi. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu điều này tiếp diễn, thương mại Mỹ- Trung có nguy cơ đứt gãy.