Nguy cơ khủng hoảng gạo ở Đông Nam Á có đáng lo?
Đông Nam Á cần có hành động khẩn cấp để hiện đại hóa nông nghiệp, đa dạng hóa các nhà cung cấp và tăng cường hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực.

Biến đổi khí hậu, áp lực kinh tế, đất canh tác và nguồn nước hạn chế, cùng các hoạt động nông nghiệp kém hiệu quả đang đe dọa đến sản lượng gạo của khu vực Đông Nam Á.
Philippines, một quốc gia sản xuất gạo hàng đầu và là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã cảm nhận được sự căng thẳng. Vào ngày 3/2, Manila đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực để ứng phó với giá gạo trong nước tăng vọt. Để vượt qua thách thức này, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines sẽ giải phóng 300.000 tấn gạo để ổn định giá.
Philippines phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu mặc dù là quốc gia sản xuất gạo lớn; lượng nhập khẩu đáp ứng hơn 1/5 nhu cầu trong nước vào năm 2023. Nguyên nhân là do sản lượng thiếu hụt bởi nhiều vấn đề bao gồm chi phí tăng và thời tiết khắc nghiệt. Năm ngoái, lượng gạo của nước này nhập khẩu đạt mức kỷ lục 4,68 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 75% lượng nhập khẩu đến từ Việt Nam.
Cuộc khủng hoảng lương thực ở Philippines phản ánh những thách thức lớn hơn trên khắp Đông Nam Á, một khu vực sản xuất gần 30% sản lượng gạo toàn cầu. Thái Lan và Việt Nam thống trị xuất khẩu gạo trong khu vực.
Việc trồng lúa ở Đông Nam Á ngày càng phải đối mặt với áp lực kinh tế, chính trị và khí hậu. Tình trạng thiếu gạo toàn cầu đã vượt quá 8,5 triệu tấn vào năm 2023, mức lớn nhất kể từ năm 2004, đẩy giá cả lên cao và đè nặng lên ngân sách hộ gia đình, làm gia tăng nỗi lo về một cuộc khủng hoảng lương thực.
Theo bà Genevieve Donnellon-May, nhà nghiên cứu tại Oxford Global Society, có thể thực hiện một số bước để đảm bảo an ninh lương thực lâu dài ở Đông Nam Á. Đầu tiên, các nước cần phải hiện đại hóa các hoạt động nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất tại địa phương và tăng cường dự trữ gạo quốc gia.
"Việc áp dụng các công nghệ canh tác hiệu quả có thể giúp tăng năng suất, ngay cả khi biến đổi khí hậu khiến điều kiện canh tác trở nên khó lường hơn", bà May cho biết.
Tính cấp thiết của biện pháp này thấy rõ ở Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nơi năng suất giảm từ 3 đến 6% trong giai đoạn 2023 đến 2024, đẩy giá gạo lên cao hơn nữa.
Các quốc gia có thể rút ra bài học từ Trung Quốc - quốc gia đạt được những bước tiến đáng kể trong đổi mới nông nghiệp. Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển các giống lúa chịu hạn giúp giảm lượng nước sử dụng hơn 40% và cắt giảm lượng khí thải mê-tan ít nhất 70%.
Những đột phá gần đây trong giống lúa chịu hạn, có khả năng phát triển mạnh trên đất mặn, mang đến cho Đông Nam Á tín hiệu đầy hứa hẹn để tăng cường khả năng phục hồi của cây trồng và đảm bảo nguồn cung gạo với giá phải chăng, ổn định hơn.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng, hợp tác và thương mại trong khu vực phải được ưu tiên. Bằng cách thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các đối tác trong khu vực, các nhà xuất khẩu có thể củng cố nền kinh tế của họ; đồng thời đảm bảo nguồn cung ổn định cho các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng.
Bà May gới ý, Philippines, nơi có các tổ chức như Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế, đang ở vị thế thuận lợi để dẫn đầu các sáng kiến như thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển thực phẩm khu vực trên khắp Đông Nam Á.
Các trung tâm này có thể phát triển và thử nghiệm các công nghệ nông nghiệp, chia sẻ các phương pháp, triển khai các chương trình thí điểm và cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những giải pháp phù hợp với bối cảnh và thách thức.
Trên thực tế, khu vực Đông Nam Á cũng đang hành động để giải quyết vấn đề này. Tại cuộc họp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023 tại Kuala Lumpur, các thành viên đã nhất trí ưu tiên giúp đỡ nhau khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo.
Ngoài ra, các nước Đông Nam Á nên đa dạng hóa các nhà cung cấp gạo để giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng và biến động giá. Bằng cách tận dụng các hiệp định thương mại tự do hiện có và các mạng lưới liên khu vực và trong khu vực, Đông Nam Á có thể khai thác gạo từ các nước xuất khẩu thay thế như Pakistan và Brazil.
Mặc dù vậy, những thách thức lớn vẫn còn. Việc tiếp cận công nghệ tiên tiến hạn chế, sự chênh lệch trong cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nhu cầu công nghệ khác nhau và sự bài xích các phương pháp canh tác mới do hạn chế về tài chính và sự phụ thuộc vào các phương pháp truyền thống, có thể cản trở những tiến bộ của khu vực.
Tác động của biến đổi khí hậu là một trở ngại quan trọng khác. Khi thời tiết khắc nghiệt trở nên thường xuyên hơn, nguy cơ mất mùa nhiều lần cùng lúc trên khắp Đông Nam Á cũng tăng lên.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu Đông Nam Á ưu tiên nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu, các khu vực nhập khẩu có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và biến động giá cả. Trong kịch bản cực đoan hơn, tình trạng thiếu hụt như vậy có thể làm gia tăng căng thẳng kinh tế, làm mất ổn định thêm các khu vực vốn đã phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực.
Cuộc khủng hoảng gạo ở Đông Nam Á là một "quả bom" hẹn giờ. Các quốc gia phải hành động ngay lập tức để hiện đại hóa nông nghiệp, đa dạng hóa các nhà cung cấp và tăng cường hợp tác khu vực để đảm bảo an ninh lương thực lâu dài.