Nguy cơ siêu chu kỳ tăng giá hàng hoá, ngành nào sẽ gặp khó?
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, giá cả trên thế giới biến động theo quy luật cung cầu và hiện nay nguy cơ lạm phát là hiện hữu...
Tác động từ các biện pháp kích thích kinh tế
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng và nhiều thời điểm, nhiều khu vực gần như tê liệt sản xuất đã khiến giá các loại hàng hóa nguyên liệu thô như đồng, quặng sắt và dầu thô giảm mạnh.
Tuy nhiên, bước sang 2021, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu thô đang tăng trở lại. Trong đó, giá đồng, nguyên liệu vô cùng quan trọng phản ánh nền kinh tế phục hồi hay suy thoái, đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Tương tự, giá dầu thô cũng đạt mức cao nhất trong vòng một năm qua.
Trên thực tế, nhu cầu sử dụng dầu luôn tỷ lệ thuận với sự phục hồi kinh tế. Chẳng hạn, giá dầu thô WTI đã giảm tới 37,6 USD/thùng trong năm 2020 khi kinh tế suy thoái, nhưng gần đây đã vượt qua 60 USD/thùng.
Các bước tăng giá của những mặt hàng nguyên liệu thô quan trọng, đã phản ánh phần nào hiệu quả của các kế hoạch kích thích kinh tế, như gói kích thích khổng lồ của Mỹ đầu tư vào các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, hay chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc của Seoul... Trên hết, nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu phục hồi, dù chậm.
Bên cạnh giá kim loại và dầu mỏ, giá nông sản cũng theo đà đi lên. Tuy vậy, một số nhà phân tích cho rằng giá nguyên liệu thô tăng là dấu hiệu của phục hồi kinh tế, một số khác lại nhận định nguồn thanh khoản dồi dào trên thị trường do Chính phủ các nước tích cực bơm tiền để cứu vãn nền kinh tế mới là nguyên nhân khiến giá cả leo thang, kéo theo nguy cơ lạm phát.
Ngoài ra, vaccine Covid-19 cũng đang mang đến niềm hy vọng phục hồi kinh tế nhanh hơn, góp phần thúc đẩy giá cả hàng hoá trên thị trường.
Theo một báo cáo, các ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và JP Morgan cùng chung nhận định rằng một siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa dài hạn đã bắt đầu. Căn cứ của các định chế tài chính này khi đưa ra nhận định là 6 yếu tố như: Phục hồi kinh tế, nới lỏng định lượng, các kế hoạch kích thích kinh tế, giá trị đồng đô la Mỹ giảm, lạm phát và chính sách thân thiện với môi trường.
Các kinh tế gia cũng có quan điểm riêng. Ông Kim Gwang-seok, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế và công nghiệp Hàn Quốc lại cho rằng, rất khó dự đoán yếu tố phục hồi kinh tế có thể tạo ra siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa từ hôm nay, bởi giai đoạn phục hồi kinh tế lần này là một hiện tượng nhất thời chứ sẽ không kéo dài tới 10 hay 20 năm.
Ngân hàng Trung ương các nước cũng không thể cắt giảm lãi suất cơ bản liên tục, hiện đang ở ngưỡng 0%, mà thay vào đó sẽ giảm dần nới lỏng định lượng, nên yếu tố này cũng không phải là một giải pháp lâu dài để thúc đẩy siêu chu kỳ tăng giá.
“Dù các nước thực hiện kế hoạch kích thích kinh tế đến năm 2022, nhưng sau đó tình hình sẽ khác đi. Xu hướng đồng đô la Mỹ suy yếu cũng có thể xảy ra trong cùng giai đoạn chứ không phải lâu dài. Tóm lại, tôi cho rằng xu hướng tăng giá hàng hóa sẽ chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, thay vì tạo nên một siêu chu kỳ”, ông Kim Gwang-seok nhận định.
Lạm phát và siêu khan hiếm hàng hóa có xảy ra?
Giá cả hàng hóa tăng sẽ là tin tốt với ngành công nghiệp thép, đóng tàu, vận tải biển và lọc dầu, bởi điều này đồng nghĩa nhu cầu tăng, các ngành liên quan được kỳ vọng cải thiện hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, với những quốc gia phải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu, thì xu hướng này có thể tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến chi phí sản xuất và giá cả sinh hoạt tăng theo. Các nhà xuất khẩu có thể mất đi lợi thế cạnh tranh về giá, điều này có tác động trực tiếp đến chi tiêu của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Chính vì vậy, khi giá cả hàng hóa tăng được chào đón như một tín hiệu phục hồi kinh tế thì vẫn khiến nhiều người lo ngại về lạm phát.
Theo đó, lạm phát có thể mang lại hiệu ứng tích cực, phản ánh nhu cầu và sự kỳ vọng phục hồi kinh tế tăng, lại cũng có thể mang nghĩa tiêu cực nếu chi phí tăng trong khi nguồn cung giảm. Chính phủ các nước trên thế giới dự kiến sẽ chấp nhận lạm phát ở một mức độ nhất định để giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, vượt qua cú sốc từ đại dịch.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, giá cả trên thế giới biến động theo quy luật cung cầu và hiện nay nguy cơ lạm phát là hiện hữu. Một số nền kinh tế muốn thúc đẩy tăng trưởng nên họ phải bơm thêm tiền, điều đó dẫn đến biến động trên thị trường, dễ thấy nhất là thị trường tiền điện tử và vàng.
Tuy nhiên, việc hàng hóa mất cân đối nghiêm trọng là khó xảy ra vì một số mặt hàng giá lên cao, theo quy luật của thị trường sẽ nhiều người đổ xô vào lĩnh vực đó để đầu tư, vô hình chung lúc đó thị trường sẽ tự cân đối. Ở một số nước trên thế giới đã có những bộ máy theo dõi rất sát sao vấn đề này để can thiệp kịp thời, vì vậy việc siêu khan hiếm một số mặt hàng cũng khó xảy ra.
Một lĩnh vực khác cần có sự chú ý khi giá cả hàng hóa tăng mạnh, đó là nông nghiệp và các loại nông sản. Chuyên gia cho rằng ngành này ở Việt Nam còn khó khăn cản trở thích ứng các biến động và phát triển tốt hơn, như: Nông sản của Việt Nam có rất ít mặt hàng được sản xuất theo quy mô lớn (tương tự như mô hình cánh đồng mẫu lớn), có áp dụng khoa học công nghệ mà ngay từ khâu ban đầu đã cần QR code để có thể trích xuất nguồn gốc sản phẩm...
Đồng thời, lĩnh vực nông nghiệp nói chung vẫn còn sản xuất, canh tác theo hướng manh mún, tự phát, rất cần dịch chuyển và mở rộng thêm quy mô, thêm những cánh đồng mẫu lớn, tập trung đẩy mạnh chế biến để xuất khẩu được lâu dài. Trong đó, tham gia vào chuỗi giá trị, trở thành một bộ phận cấu thành của chuối giá trị đó sẽ là giải pháp tối ưu.
Chẳng hạn như đối với các tập đoàn của Nhật, chúng ta cam kết ký hợp đồng lâu dài với những điều kiện rõ ràng về cung ứng sản phẩm cho họ, đồng nghĩa họ sẽ tiêu thụ sản phẩm của mình bền vững. Khi đó, những biến động của giá cả hàng hóa thế giới, sẽ giảm sức tác động theo chiều tiêu cực đến các mặt hàng Việt Nam vì ta đã "thông" được thị trường tốt, đầu ra ổn định.
Ứng phó của Việt Nam
"Tại Việt Nam, Chính phủ cần phải hết sức chú ý đến kiểm soát lạm phát. Mặt khác, cần đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, một nền kinh tế duy nhất. Bởi nếu nền kinh tế đó xảy ra lạm phát thì sẽ tác động tới Việt Nam nặng nề hơn. Có thể thấy, trong thời gian qua, Việt Nam cũng đang hết sức nỗ lực thực hiện mục tiêu này.
Trước những diễn biến như hiện nay, trong thời gian tới, có thể ngành dầu khí, sắt thép sẽ chịu tác động, nhưng theo tôi, tác động này không diễn ra quá lâu. Vì thế giới sẽ quan tâm và có điều chỉnh để tránh tác động nặng nề. Còn ở Việt Nam, Chính phủ sẽ có lượng dự trữ nhất định để phản ứng với bối cảnh. Về phía doanh nghiệp cũng nên đa dạng hóa, đa phương hóa để tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định”, TS. Lê Đăng Doanh nhận định.